The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thanh Hóa đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất cả nước

Tính từ năm 2015 đến 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký 114.500 tỷ đồng và 3,6 tỷ USD, gấp gần 2 lần giai đoạn 2011-2015 và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo đó, trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 76 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 115 nghìn tỷ đồng và gần 3,6 tỷ đô la Mỹ; đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó có nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia như nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn; nhà máy luyện cán Thép Nghi Sơn; dây chuyền 1 và 2 nhà máy xi măng Long Sơn; Nhiệt điện Nghi Sơn 2; nhiều dự án cảng biển, may mặc, da giày... có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước.

Những thành quả trong thu hút đầu tư đã và đang tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh này có sự chuyển biến tiến bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 24 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nhóm điểm trung bình và xếp thứ 27 năm 2016 tăng lên nhóm điểm cao và xếp thứ 11 cả nước.

Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so giai đoạn trước và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; giai đoạn 2016-2020 có 14.200 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký là 99.000 tỷ đồng gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015 và đứng thứ 7 cả nước về thành lập mới doanh nghiệp.

Và tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng trình bày Báo cáo chính trị nêu rõ phương hướng chung của nhiệm kỳ tới, đó là phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Trong đó, xác định 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. 3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng; Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ…

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp, Đại hội xác định tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc: Thạch Thành – Bỉm Sơn và Khu trung tâm động lực phía Tây: Lam Sơn – Sao Vàng.

5 trụ cột tăng trưởng được xác định bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế và Phát triển hạ tầng.

Phát triển 6 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.

Theo Báo Thương hiệu Công luận