The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thanh Hoá: Hút đầu tư vào các trụ cột tăng trưởng

Trao đổi với Báo DĐDN, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Tỉnh đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào các trụ cột tăng trưởng theo quy hoạch tổng thể được nghiên cứu kỹ lưỡng, tận dụng tối đa tiềm năng kết nối giữa Thanh Hóa với các địa phương lân cận, để trở thành một cực tăng trưởng của vùng.

Theo ông Nguyễn Đình Xứng: Thanh Hóa có đầy đủ 3 vùng kinh tế: Trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư.

Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi; có Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với Lào. Tỉnh cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đảm bảo hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào các dự án đầu tư; riêng Khu Kinh tế Nghi Sơn là khu kinh tế được đặc biệt ưu đãi về thuê đất và các chính sách thuế. Bên cạnh đó, Thanh Hoá sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

- Thanh Hoá là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Kết quả sau 1 năm thực hiện ra sao, thưa ông?

Trong thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tập trung 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

p/Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa cũng như các lĩnh vực Thanh Hóa thu hút đầu tư

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa cũng như các lĩnh vực Thanh Hóa thu hút đầu tư

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.196 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 68% so với cùng kỳ và bằng 40% so với kế hoạch, là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng vốn điều lệ đăng ký ước đạt 7.386 tỷ đồng, tăng 41,3% so với cùng kỳ; vốn điều lệ đăng ký bình quân/1 doanh nghiệp đạt 6,17 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 13.576 nghìn lao động, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm (đến ngày 15/6/2017), Thanh Hoá đã thu hút được 96 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án đầu tư trực tiếp FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 22.411 tỷ đồng và 285,5 triệu USD, tăng 18 dự án và 20.295 tỷ đồng so với cùng kỳ.

- Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, ông có thể cho biết mục tiêu và kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới?

Giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa xác định mục tiêu đạt tỷ lệ 41 doanh nghiệp/1 vạn dân, trong đó, năm 2017, tỉnh phấn đấu thành lập 3.000 doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hoá lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.

Thanh Hoá lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.

Thanh Hóa cam kết đồng hành, luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Với những chủ trương và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, đã và đang triển khai tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”: Thứ nhất, hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; Thứ hai, chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; Thứ ba, giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.

- Thưa ông, mặc dù nỗ lực, nhưng nhiều năm qua, nhiều chỉ số của Thanh Hóa như PAPI, PCI vẫn chưa vào top đầu?

Năm 2016, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Thanh Hoá đứng thứ 27 cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 31 cả nước và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ (sau tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An).

Chính vì vậy, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường các kênh thông tin nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua đối thoại với doanh nghiệp. Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã bố trí tiếp doanh nghiệp định kỳ vào ngày 21 hàng tháng để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; phấn đấu đến tháng 10 năm 2017, Trung tâm hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động; đến 31 tháng 12 năm 2017, tất cả các Trung tâm hành chính công cấp huyện đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Thông qua hoạt động của Trung tâm hành chính công sẽ kiểm soát chặt chẽ thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.

UBND tỉnh cũng mong rằng, từ thực tế phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân.

- Theo ông đâu là bước đột phá để Thanh Hóa đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra?

Đó chính là việc Thanh hoá đã kết hợp với BCG (Tập đoàn tư vấn Boston, Mỹ) xây dựng quy hoạch phát triển chiến lược. Trên nền tảng những gì tỉnh đang có, kết hợp những tham vấn của các chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu thế giới, Thanh Hóa giới thiệu được với các doanh nghiệp, nhà đầu tư những cơ hội tốt, những tiềm năng và định hướng rõ ràng để quyết định những dự án đầu tư kinh doanh hiệu quả trên địa bàn, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp mạnh, tỉnh phát triển… Qua đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa, nhận ra mình đang ở đâu, ở đoạn nào trên con đường đến đích mà Thanh Hóa lựa chọn, để tự tìm ra cơ hội của chính mình.

- Xin cảm ơn ông!