The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thanh Hóa: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp

Thời gian qua, Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc kiện toàn Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; Phó Trưởng Ban chỉ đạo bao gồm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (Phó Trưởng ban Thường trực), Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng BQL Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh.

Uỷ viên Ban Chỉ đạo bao gồm giám đốc các sở, ban ngành trực thuộc UBND tỉnh; giám đốc các đơn vị Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa; Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa và Cục Hải quan Thanh Hóa; Phó Giám đốc Sở Nội vụ phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính. Trong đó, cơ quan thường trực về đẩy mạnh cải cách hành chính là Sở Nội vụ; cơ quan thường trực về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Ảnh minh họa)
Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Ảnh minh họa).

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính…; Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; Làm đầu mối giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa.

Những năm gần đây, Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp về cải cách hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, Thanh Hoá luôn nằm trong nhóm đầu cả nước về các Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, Chỉ số cải cách hành chính... Thanh Hóa là 1 trong những địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và DN; là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Hiện nay, Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh...

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án và phát triển sản xuất, kinh doanh. Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN; đồng thời, chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tổ chức tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN (Ảnh minh họa)
Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN (Ảnh minh họa).

Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các TTHC về chấp thuận chủ trương đầu tư cũng là một trong những yếu tố góp phần gia tăng sức hút với các DN, dự án lớn. Theo đó, nhiều TTHC được cắt giảm thời gian xử lý so với quy định, giảm chi phí thời gian cho nhà đầu tư như: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng; giao đất, cho thuê đất; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát để làm căn cứ đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, xây dựng, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai... Từ đó khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những nỗ lực, cố gắng ấy, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lượng các nhà đầu tư có tiềm lực lớn trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều; vị thế và uy tín của tỉnh trong việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư ngày càng được nâng lên. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD. Các dự án đi vào vận hành đã trở thành động lực chính đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong top 10 của cả nước.

Theo Báo Doanh nghiệp và Hội nhập