Thanh Hóa: Tập trung triển khai đánh giá DDCI năm 2022
23 Tháng 2, 2023
Tháng 5-2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021. Kết quả DDCI đã phản ánh trung thực những cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong quá trình tương tác với các đơn vị để thực hiện thủ tục đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, đơn vị chủ trì thực hiện đề án - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hoá) đang khẩn trương triển khai các bước khảo sát DDCI năm 2022.
Theo kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 15-11-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2022, mục đích thực hiện đề án nhằm phát huy kết quả khảo sát năm 2021 và tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số để cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả nhằm giám sát và chỉ đạo nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực…, từ đó góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo VCCI Thanh Hóa, trong năm thứ 2 triển khai khảo sát, đánh giá về chỉ số này, đơn vị thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên hơn 4.000 DN, HTX, hộ cá thể để phát ra hơn 12.000 phiếu khảo sát với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hoá, cho biết: “Bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá năm 2022 vẫn giữ nguyên 8 thành phần. Tuy nhiên, về cách thức khảo sát được chúng tôi triển khai linh hoạt hơn nhằm bảo đảm hiệu quả và thời gian. Đặc biệt, quy trình và phương pháp khảo sát luôn bảo đảm khách quan, bảo mật và công tâm. Kết quả đánh giá các đơn vị được khảo sát hoàn toàn là cảm nhận khách quan của DN thông qua các phiếu điều tra xã hội học và sẽ được mã hoá bằng phần mềm, không có bất kỳ sự can thiệp của con người cũng như bảo mật hoàn toàn danh tính của cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia”.
Hiện nay, các cán bộ VCCI đang bước vào những ngày cuối cùng của công đoạn lấy phiếu khảo sát. Dự kiến, công đoạn này sẽ kết thúc vào ngày 5-3. Sau đó, VCCI sẽ chuyển sang công đoạn thu hồi, nhập kết quả khảo sát, mã hoá hồ sơ, hoàn thiện báo cáo và dự kiến kết quả DDCI năm 2022 sẽ được công bố vào đầu tháng 4-2023.
Bộ chỉ số DDCI được xây dựng gồm 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Được biết, bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá đang được triển khai áp dụng mô phỏng phương pháp khảo sát PCI cả về chỉ số thành phần và phương pháp thực hiện. Bên cạnh đó, DDCI Thanh Hóa còn khảo sát thêm một số nội dung tuy không phù hợp để tính điểm xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng lại có tác động lớn tới hoạt động sản xuất , kinh doanh của DN, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường kinh doanh của tỉnh, như: gia nhập thị trường, đào tạo lao động, hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp, vai trò của hiệp hội, nhu cầu hỗ trợ của DN.
Bên cạnh sự tư vấn, hỗ trợ của VCCI và các chuyên gia, tổ chức tư vấn, VCCI Thanh Hoá cũng đã đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương triển khai thành công đề án để áp dụng và cải biến phù hợp với thực tiễn tại Thanh Hóa. Với việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong mã hóa phiếu khảo sát sẽ bảo đảm thông tin thu nhập được chính xác, khách quan nhất.
Trong quá trình tiếp cận khảo sát, cán bộ của VCCI Thanh Hóa cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền tới DN ý nghĩa thiết thực của đề án; đồng thời, hướng dẫn các DN, hộ cá thể thực hiện phiếu khảo sát đúng quy định. Đây là cơ hội để các DN nói lên tiếng nói của mình, chuyển tải các đánh giá, cảm nhận và mong muốn của mình tới chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước một cách thuận tiện, trung thực và khách quan nhất.
Theo đánh giá của cộng đồng DN, việc triển khai đánh giá DDCI chứng tỏ chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh. Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã được nỗ lực cải cách trong nhiều năm trở lại đây nhưng thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Với việc cung cấp bộ công cụ DDCI sẽ giúp các DN yên tâm và kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện về cơ chế, chính sách sau này. Đồng thời, sẽ tạo nên khí thế, phong trào thi đua sôi nổi và những bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của DN, nhà đầu tư trong tương lai gần.
Theo kết quả DDCI năm 2021, trong nhóm sở, ban, ngành cấp tỉnh, có 5 đơn vị được đánh giá có chất lượng điều hành tốt, 13 đơn vị có chất lượng điều hành khá, 4 đơn vị có chất lượng điều hành chưa tốt; nhóm UBND cấp huyện, có 7 đơn vị được đánh giá có chất lượng điều hành tốt, 17 đơn vị có chất lượng điều hành khá, 3 đơn vị có chất lượng điều hành chưa tốt.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa, cho biết: “Sau lần đầu tiên công bố, DDCI đã tạo sự lan toả và “sức nóng” thi đua, cạnh tranh giữa các đơn vị được đánh giá. Các đơn vị thuộc top cuối đã có nhiều trăn trở, nỗ lực tìm giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đổi mới cách thức tiếp cận với DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị mình. Các đơn vị thuộc top đầu cũng không tự mãn với thành quả mà tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phương pháp điều hành nhằm xứng đáng với sự ghi nhận và niềm tin của người dân và DN”.
“Giá trị quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của DN.” - ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết thêm.
Theo Báo Thanh Hóa