Thanh Hóa trong mắt các nhà đầu tư
Công nhân Công ty TNHH TSVina thuộc Tập đoàn TS Appare/Corp (Hàn Quốc) - đóng tại địa bàn xã Định Liên (Yên Định) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Trong những năm qua, với việc khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hóa đã và đang trở thành "đất lành" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những dự án trọng điểm quốc gia, quy mô hàng đầu trên các lĩnh vực được triển khai trên địa bàn là những minh chứng rõ nét, sống động nhất cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã thể hiện rõ sự tin tưởng, gắn bó lâu dài và thiện chí hợp tác, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Là đối tác tin cậy của Thanh Hóa trong nhiều năm qua, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam, đưa ra nhận định tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu (tổ chức tại thị xã Sầm Sơn ngày 27-8-2015): Thanh Hóa là một đối tác quan trọng của WB, vì đây là một tỉnh rộng, dân số đông và có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì thế, chúng tôi đã có cam kết hợp tác lâu dài với tỉnh Thanh Hóa và hiện nay đang triển khai một số dự án kinh tế tại đây, các dự án đều đang thực hiện hiệu quả.
Không thể không nhắc đến Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn – Dự án FDI có tổng mức đầu tư lớn nhất cả nước đang được triển khai thực hiện đến thời điểm này. Ông Kazutoshi Shimmura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chia sẻ: Cá nhân tôi xin phép được đại diện cho công ty cảm kích về sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và người dân địa phương tại Thanh Hóa trong quá trình triển khai dự án. Chúng ta đã biết, công việc chuẩn bị mặt bằng cho dự án được bắt đầu từ năm 2008. Từ thời điểm đó, sự phối hợp nhịp nhàng và quý báu giữa lãnh đạo các cấp của tỉnh Thanh Hóa, người dân địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc di chuyển người dân đến nơi ở mới và bàn giao cho công ty liên doanh mặt bằng sạch để xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu này. Các ngành chức năng như Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải Quan... về những vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng, an ninh trật tự... tại khu vực dự án và những vấn đề liên quan đến dự án như thuế, thông quan hàng hóa. Để thu hút các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, tôi nghĩ rằng tỉnh Thanh Hóa nên tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng như đường sá, cảng biển, điện, nước, viễn thông... và hệ thống dịch vụ phục vụ cho người lao động làm việc tại khu vực này, bao gồm bệnh viện, trạm y tế, trường học, siêu thị cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho người dân...
Tương tự, ông Yoshihito Izawa, Giám đốc Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, đánh giá:. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, kể cả trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh thuận lợi hay khi gặp khó khăn, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Vì thế, trong suốt quá trình từ khi hình thành và sản xuất, kinh doanh, chúng tôi luôn cố gắng phát huy nội lực, tìm kiếm mọi giải pháp để vượt qua khó khăn trước khi kêu gọi, đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, ưu ái. Chúng tôi tin tưởng rằng, Công ty Xi măng Nghi Sơn sẽ tiếp tục đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa vào sự phát triển của địa phương nói riêng, cũng như tỉnh Thanh Hóa nói chung. Có thể thấy, nhờ chú trọng đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện tại, cả tỉnh có 59 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12,6 tỷ USD. Kèm theo đó, tỉnh cũng hết sức coi trọng đầu tư trong nước thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu đến tìm hiểu, triển khai các dự án. Nổi bật nhất, đó là dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, với hàng loạt các hạng mục hiện đại, sang trọng được khánh thành đi vào hoạt động sau hơn 1 năm thi công. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc chào đón nhà đầu tư và đồng hành trong suốt quá trình thực hiện dự án. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC đã khẳng định điều đó, nhân buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng đã và đang quan tâm đầu tư vào Thanh Hóa: Nếu như ở nhiều địa phương khác, trong khoảng thời gian 9 tháng, hồ sơ dự án mới chỉ được thông qua, thì tại Thanh Hóa, trong thời gian này chúng tôi đã hoàn thiện quần thể du lịch nghỉ dưỡng rộng hơn 200 ha. Có được kết quả thần tốc này, trước hết là nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, sâu sát của lãnh đạo tỉnh. Từ thiện chí và hiệu quả đầu tư, FLC đã cam kết đầu tư đến 16.000 tỷ đồng tại Thanh Hóa trong thời gian tới.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, một hình ảnh Thanh Hóa cởi mở, thân thiện đã và đang được xây dựng trong mắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này đã được khẳng định một cách khách quan qua 3 chỉ số quan trọng là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (P.C.I); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (P.A.P.I) và chỉ số Hội nhập quốc tế (P.E.I.I) trong 3 năm gần đây của tỉnh luôn đứng trong tốp đầu cả nước.
Nhằm củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh ta xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh và đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng cụ thể, trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm.
Phạm Ngọc
Theo Báo Thanh Hóa