Thanh Hóa: Vạch đường hướng cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Theo số liệu công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam, trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh Thanh Hóa, có số điểm cao nhất là Chỉ số gia nhập thị trường (7,21 điểm), thấp nhất là Chỉ số đào tạo lao động (5,01 điểm). Có 4 chỉ số tăng điểm so với cùng kỳ, gồm: tính năng động của chính quyền tỉnh (tăng 1,33 điểm), tính minh bạch (tăng 0,68 điểm), tiếp cận đất đai (tăng 0,24 điểm), chi phí thời gian (tăng 0,2 điểm). Có 6 chỉ số giảm điểm so với cùng kỳ, gồm: thiết chế pháp lý (giảm 1,43 điểm), đào tạo lao động (giảm 1,4 điểm), gia nhập thị trường (giảm 0,96 điểm), cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,25 điểm), chi phí không chính thức (giảm 0,17 điểm) và dịch vụ hỗ trợ DN (giảm 0,05 điểm).
Theo đánh giá của VCCI Thanh Hóa, sở dĩ thứ hạng chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa vẫn còn thấp là do sự cải thiện điểm số các thứ hạng thành phần vẫn còn chậm so với tốc độ cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh của các tỉnh, thành trên cả nước. Mặc dù cấp tỉnh đã từng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể về việc tạo lập, đổi mới môi trường hoạt động cho DN, nhà đầu tư, nhưng Thanh Hóa vẫn được đánh giá là một trong những địa phương có “chủ trương tốt ở cấp tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở cấp cơ sở”. Chính điều này khiến các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ DN chưa phát huy được kỳ vọng hỗ trợ DN, nhà đầu tư.
Nhằm hạn chế những thiếu sót, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, ngày 26-8 tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND về duy trì, cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và chỉ số PCI. Trong đó, với chỉ số PCI, kế hoạch lần này đã vạch rõ những bước cải cách cụ thể ở các chỉ số thành phần điểm còn thấp, phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh thuộc top 10 cả nước vào năm 2025. Trong đó, xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong cơ quan hành chính Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Điển hình như với chỉ số tiếp cận đất đai, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, công khai quỹ đất chưa sử dụng; rà soát, thu hồi các dự án chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả theo quy định; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tạo quỹ đất sạch; xử lý cán bộ, công chức có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà trong quá trình giải quyết công việc với người dân, DN. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh công khai quỹ đất chưa sử dụng, chưa cho thuê, chưa giao đất tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ nhà đầu tư trong việc kiểm kê, cắm mốc, thỏa thuận đơn giá bồi thường GPMB; ký cam kết thực hiện công tác GPMB và bàn giao đất giữa cấp huyện với nhà đầu tư, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất phù hợp; chủ động rà soát quỹ đất công đang sử dụng chưa đúng mục đích hoặc không đạt hiệu quả cao; xây dựng phương án thu hồi và tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư.
Với chỉ số chi phí thời gian, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh rút ngắn thời gian thẩm tra, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường...
Với việc cải thiện điểm số chỉ số chi phí không chính thức, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm có trình độ, năng lực, đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, có cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN của một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai; đề xuất xử lý cá nhân, cơ quan, địa phương vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh các hoạt động đấu thầu, đăng ký DN qua mạng; giúp các bên mời thầu, nhà thầu tiếp cận thông tin một cách minh bạch, dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian và các chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Thanh tra tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; trong đó tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: đất đai, tài nguyên, việc thực thi công vụ...
Kế hoạch và việc giao nhiệm vụ cụ thể lần này, cùng với chương trình triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được thực hiện từ năm 2021 đến 2025 được kỳ vọng sẽ cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả, nhằm giám sát và chỉ đạo nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các đơn vị; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN. Những giải pháp này được kỳ vọng góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo Báo Thanh Hóa