Thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Kon Tum
15 Tháng 11, 2022
Ngày 14/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 730/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Kon Tum. Ban Chỉ đạo cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo),do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối kinh tế tổng hợp làm Trưởng Ban; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng Ban.
Các thành viên gồm Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương:
- Các Sở, ngành: Công an tỉnh; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Tài Nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh; Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Kon Tum;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo:
1. Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp quan trọng; đồng thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ thực hiện cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
3. Làm đầu mối tăng cường hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI); trong đó, nghiên cứu mời VCCI đến làm việc trực tiếp với tỉnh để tư vấn, hướng dẫn triển khai các hoạt động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương.
4. Định kỳ hằng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI).
5. Đánh giá tổng kết, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật theo quy định.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo:
1. Trưởng ban được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh; Phó Trưởng ban được sử dụng con dấu của đơn vị mình trong quá trình chỉ đạo điều hành và đôn đốc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo, với nguyên tắc đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
3. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng một lần. Trường hợp cần thiết, Trưởng ban quyết định hoặc theo đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo quyết định triệu tập cuộc họp đột xuất.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh) là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu cho Ban Chỉ đạo:
a) Xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
b) Xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
c) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo (mỗi sáu tháng hoặc đột xuất) và đề xuất cấp có thẩm quyền hướng xử lý các nội dung liên quan đến cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
6. Ban Chỉ đạo có Tổ giúp việc, trên cơ sở đề nghị của cơ quan thường trực, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cử một công chức/viên chức tham gia tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
7. Trường hợp có sự thay đổi đại diện lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo cơ quan thường trực bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Trưởng ban.
Theo VPUB Kon Tum