The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thành phố HCM: Chính quyền là công ty, người dân là khách hàng

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - trưởng khoa luật ĐH Kinh tế TP.HCM - đã so sánh như vậy tại buổi tọa đàm "Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền TP.HCM", do báo Tuổi Trẻ tổ chức trong tuần vừa qua, với sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu vấn đề này.

Chủ đề của buổi tọa đàm cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo báo cáo chính trị ĐH Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đề ra: Trong giai đoạn 2015 - 2020 đưa TP.HCM vào nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

Chính quyền cũng phân cấp như thị trường

* Tuổi Trẻ: Cả ba chỉ số PAPI, PCI và PAR-index đều lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí để đánh giá. Như vậy chỉ tiêu này nhấn mạnh rất rõ vai trò của cán bộ, của những người lãnh đạo TP?

- PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Theo tôi, chính quyền phải cung cấp dịch vụ cho dân như công ty cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Cấp phường là cấp trực tiếp giải quyết đến 70% công việc của các hộ gia đình, cấp quận, huyện là phần còn lại và cấp tỉnh, thành phần lớn là phục vụ doanh nghiệp.

Phải làm cho nền hành chính thân thiện, dễ hiểu, hiểu tâm lý của khách hàng, để người dân đến làm việc được thoải mái như khi họ bước vào một cửa hàng. Phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) nơi tôi ở bố trí nơi tiếp công dân như lễ tân của công ty, cá nhân tôi và nhiều người dân rất hài lòng.

Ở cấp TP, phải làm cho doanh nghiệp thấy chính quyền TP ân cần chăm sóc, thoải mái, ở lại lâu dài và kéo thêm bạn tới đây, phải đối đãi đàng hoàng khiến họ thấy thoải mái. Không có lý gì người ta đi đóng thuế, đóng góp cho Nhà nước mà lại phải gặp khó khăn...

TP.HCM không chỉ so sánh với các tỉnh thành khác mà còn cả với các TP trong khu vực, nếu TP không thay đổi thì không cạnh tranh nổi.

- TS Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Ít nhất 1/3 dự thảo báo cáo tập trung vào chỉ tiêu về ba chỉ số nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền TP. Việc xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng, phát triển nguồn nhân lực... tất cả đều xoay quanh, là cơ sở, cụ thể hóa cho việc thực hiện chỉ tiêu này.

Tôi thấy có một trục trặc, đó là động cơ của cán bộ. Họ thường không dám làm cái mới, không dám đối mặt với rủi ro. Vì sợ thất bại thì sẽ dễ lãnh hậu quả. Chúng ta phải tạo cơ chế làm sao cho từng cán bộ cụ thể ở cấp cơ sở hay cấp cao hơn nữa có không gian để sáng tạo, để đổi mới. Trong dự thảo này có nêu nhưng tôi thấy chưa rõ, chỉ có một số ý lồng trong đó. Làm sao đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả chứ không phải là không sai.

- Bà Nguyễn Thị Hương, trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM: Có những chuyện ở trên thì chương trình rất tốt, nhưng đi vào thực tế thì kết quả thực hiện còn những vấn đề chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đúng mong đợi.

Ở góc độ người dân, tôi thấy cần có một quy trình cụ thể, phân tích rõ trách nhiệm của các sở ngành trong việc giải quyết sự việc, công khai thông tin cách giải quyết và có mốc thời gian cụ thể về việc giải quyết các vấn đề này...

Quy trình này cần tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không sẽ dẫn đến mất niềm tin của người dân.

Người dân phải được tham gia vào quy hoạch

* Tuổi Trẻ: Trên thế giới, ở những đô thị lớn hoặc tương đồng với TP.HCM trong quá trình phát triển, có kinh nghiệm gì trong quản trị hành chính công?

- Ông Alvin Tay, tùy viên Lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM: Điểm tương đồng của Singpore và TP.HCM là khát khao thay đổi, và nhận thức rất rõ vai trò của hành chính công trong phát triển thành phố. Chúng tôi đặt tiêu chuẩn cho hành chính công là chương trình dịch vụ công thế kỷ 21. Chẳng hạn bất kỳ ai gửi thư điện tử đến Lãnh sự quán Singapore thì chúng tôi phải gửi thư phản hồi trong vòng một ngày. Quan chức các cấp cũng đối thoại, lắng 
nghe ý kiến người dân.

- Bà Madhu Raghunath, điều phối Chương trình phát triển đô thị và quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Muốn phát triển TP, yếu tố đầu tiên là người lãnh đạo TP phải có tầm nhìn để biết TP sẽ như thế nào trong 20, 30 năm tới.

Tôi có một dẫn chứng là 10 năm trước, TP Medellin của Colombia là nơi của tội phạm, ma túy. Ông thị trưởng mới đã đề ra mục tiêu xây dựng TP đáng sống, với phương pháp là đầu tư tạo ra các không gian công cộng như: công viên, thư viện, quảng trường, khu triển lãm...

Và trước khi quyết định đầu tư thì ông thị trưởng gặp gỡ trao đổi với người dân. Cuối cùng những công trình ấy đã làm thay đổi tất cả như mục tiêu 
mà TP Medellin đề ra.

Một vấn đề nữa là trong khi các chính quyền những TP khác của thế giới thu hút nhân tài trẻ về làm việc thì ở TP.HCM nói riêng và các địa phương ở VN còn thiếu điều này, có nhiều tài năng trẻ ra nước ngoài học nhưng rất ít trở về. Tôi nghĩ lãnh đạo TP nên chú ý tới vấn đề này.

Bất cập tiếp theo là vấn đề quy hoạch đô thị TP.HCM chưa đồng nhất giữa các cấp, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn với nhau, điều này chưa được ghi nhận trong việc đánh giá các chỉ 
số như PAPI, PCI.

Trung ương phải cho TP thêm không gian

* Tuổi Trẻ: Có ý kiến nói rằng TP.HCM đang “đơn độc” trong vị trí về nhiều mặt khi so với các địa phương khác vì quy mô của TP rất lớn. Và cần một cơ chế rộng mở hơn, khác hơn từ trung ương cho TP.HCM?

- PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Quy mô của TP.HCM chẳng kém gì Singapore nhưng khác với Singapore, TP.HCM vẫn chỉ là một TP, phải hoạt động trong khuôn khổ thể chế pháp luật, chính sách chung của đất nước này, không thể toàn quyền như Singapore để tự quyết định mọi vấn đề.

Tôi thấy giải pháp hay nhất là tận dụng những khoảng không cho phép chính quyền TP làm tốt hơn vì người dân, vẫn khuyến khích được sự sáng tạo từ địa phương mà không quá chỏi với những ràng buộc từ bên trên. Còn nếu đưa ra những thảo luận “mơ mộng” quá thì cũng khó, nếu đi quá sớm có thể bị tuýt còi.

Thậm chí những ý đồ cải cách có thể chưa thực hiện được ngay, ví dụ điển hình như về chính quyền đô thị, phải được sự hậu thuẫn của nhiều phía hơn nữa.

- Ông Trần Anh Tuấn, quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: Quản trị của TP.HCM thì không phải chỉ riêng TP làm được vì nó gắn với chương trình chung của quốc gia. Nhưng phần phân cấp quản lý xử lý những vấn đề liên quan tới quản trị giữa trung ương và địa phương còn rất hạn chế, đặc biệt trong những vấn đề lớn như quy 
hoạch, kế hoạch.

Chẳng hạn, TP khó mà trực tiếp điều chỉnh, giảm số giờ đóng thuế ngay một lúc được. Nó liên quan đến cả quá trình cải cách bộ máy, hệ thống do trung ương quản lý. TP chỉ tạo điều kiện về môi trường đầu tư trong thẩm quyền quyền hạn của TP, còn quy trình thủ tục chung về hành chính nhà nước phải theo một khung chung.

Nếu TP có quyền chủ động trong việc sắp xếp bộ máy chính quyền thì bộ máy quản trị sẽ được cải thiện rất nhiều, nhất là đối với một đô thị đặc biệt lớn có tốc độ gia tăng dân số cơ học, đô thị hóa, khối lượng doanh nghiệp lớn.

Nếu có cơ chế phân cấp rõ ràng, tạo cho TP một sự năng động, chủ động hơn thì hiệu quả về quản trị hành chính công sẽ tốt hơn.

Theo tuoitre.vn, ngày 30/09/2015