Thành phố Thái Nguyên: Thành công từ sự “thân thiện” của chính quyền
TTTM Minh cầu, điểm nhấn cảnh quan và sự phát triển của Thành phố. Những năm gần đây, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ này, cùng với sự cố gắng của các, ngành trong tỉnh, TP Thái Nguyên đã và đang có những đóng góp tích cực và bước đi vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 80km, chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, lại nằm trên tuyến giao thông quan trọng là QL3, giáp ranh với nhiều tỉnh, có tuyến đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên vừa hoàn thành đi vào sử dụng đầu năm 2014…TP.Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội. Theo ông Lê Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Thái Nguyên, thành phố đã xác định ưu tiên, tập trung phát triển ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Với trên 2.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn (chiếm khoảng 2/3 doanh nghiệp cả tỉnh), hàng loạt khu công nghiệp đã, đang và sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới, TP.Thái Nguyên những năm gần đây được coi là một “đại công trường” với hàng loạt dự án lớn nhỏ được triển khai. Đây cũng được coi là một thắng lợi trong việc thu hút đầu tư của chính quyền thành phố, luôn “trải thảm đỏ” nhằm đem lại sự thân thiện cho các doanh nghiệp ngay khi mới đặt chân đến Thái Nguyên. Luôn gần gũi, luôn lắng nghe… Theo công bố mới nhất, Thái Nguyên đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, đứng thứ 2 so với các tỉnh miền Bắc. Để có được thành công này, chính quyền Thái Nguyên luôn chú trọng làm tốt tất cả các tiêu chí, đặc biệt là việc tiếp cận, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và địa phương tích cực nhất chính là TP.Thái Nguyên, nơi tập trung gần như toàn bộ doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài tỉnh ở Thái Nguyên. Đó cũng là nội dung quan trọng hàng đầu trong chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI trên địa bàn. Ông Lê Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND - TPchủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN Mỗi năm 2 lần, UBND TP.Thái Nguyên lại tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn (thường có cả sự tham gia của đại diện các ngân hàng và ngành thuế). Tại đây, các đại biểu được cung cấp thông tin về tình hình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, các đề án, dự án cũng như các quy hoạch phát triển của địa phương. Ngược lại, đại diện Hội Doanh nghiệp thành phố cũng báo cáo về các hoạt động của hội, những thuận lợi, khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Ý kiến phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp được lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan phân tích, giải đáp thỏa đáng, hoặc các bên cùng tìm hướng giải quyết. Ngoài những buổi gặp gỡ định kỳ, UBND thành phố và Thường trực Hội Doanh nghiệp thành phố còn thỏa thuận tổ chức những buổi làm việc bất thường khi cần thiết, nhằm trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết những công việc phát sinh đột xuất. Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.Thái Nguyên Phạm Văn Quang, chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố ngày càng tỏ ra thân thiện và lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp, tiếng nói của doanh nghiệp ngày càng có trọng lượng hơn. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chân thành của chính quyền thành phố đối với doanh nghiệp còn thể hiện qua nhiều khía cạnh như ưu tiên bố trí văn phòng làm việc khang trang cho Hội; đồng thời luôn lắng nghe tham vấn của Hội khi tổ chức các sự kiện liên quan. Thành phố cũng thường xuyên mời đại diện của Hội tham gia các cuộc họp, làm thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI trên địa bàn, hoặc tham gia vào đoàn kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính ở cấp xã… Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP.Thái Nguyên, Trưởng Ban chỉ đạo nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh trên địa bàn thành phố cho biết: Thông qua các buổi gặp gỡ, đối thoại, chúng tôi nắm bắt đầy đủ hơn về tình hình “mạnh- yếu” của các doanh nghiệp, nghe đại diện doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ quan điểm và biết được họ đang cần gì ở chính quyền địa phương. Qua đó, chính quyền kịp thời đề ra hoặc điều chỉnh những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các buổi gặp gỡ như vậy cũng là cơ hội tốt để chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp chia sẻ học hỏi lẫn nhau, hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn. Từ năm 2011, UBND thành phố và Hội Doanh nghiệp đã xây dựng Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa hai bên. Trong đó, quy định rõ cơ chế phối hợp, đối thoại và trao đổi thông tin liên quan, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Doanh nghiệp, cho doanh nghiệp phát huy tối đa thế mạnh của mình. Khách sạn Dạ Hương Tỏ rõ quan điểm của thành phố, Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, theo hướng đi vào chiều sâu và thiết thực hơn, ghi nhận và cầu thị trước những phản hồi của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần quan trọng cải thiện chỉ cố PCI của tỉnh”. Bài học đáng ghi nhận từ “Cải cách hành chính” Điều đáng ghi nhận ở TP.Thái Nguyên, đó là việc cấp ủy Đảng, chính quyền ở đây đều “xắn tay áo” chung sức thực hiện giải quyết các vướng mắc để tạo thuận lợi nhất trong thu hút đầu tư. Một chia sẻ khá thú vị từ người lãnh đạo đứng đầu thành phố, ông Bùi Xuân Hòa, Ủy viên BTV tỉnh ủy- Bí thư Thành ủy Thái Nguyên: “Việc công khai số điện thoại cá nhân của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các phường, xã thuộc thành phó, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận đã thể hiện sự thân thiện của chính quyền với doanh nghiệp và công dân”. Nói về việc quan tâm sát sao, đặc biệt là tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Bí thư Thành ủy Bùi Xuân Hòa cho biết thêm: Thàng 3/2013, dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Glonic Việt Nam (Công ty Bujeon Electonics của Hàn Quốc) triển khai đầu tư với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng (10 triệu USD). Lúc đầu, dự án tưởng như không thể thực hiện bởi công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng…rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đầu tiên tại TP.Thái Nguyên và của tỉnh, Thành ủy và UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong vòng 5 tháng đã bàn giao mặt bằng, giúp nhà đầu tư sớm đầu tư xây dựng. Hay như trường hợp của dự án đầu tư xây dựng Chợ Thái, phường Trưng Vương, Công ty CP Trung Tín (Hà Nội) quản lý với số vốn đầu tư 126 tỷ đồng; công trình chợ Minh Cầu, Trung tâm Thương mại Đông Á, Dự án nhà ở cao cấp PICEZA… đã hoàn thành vượt mức tiến độ và trở thành điểm nhấn trong cảnh quan cũng như thể hiện sự phát triển của thành phố, một phần không nhỏ cũng từ sự vào cuộc, góp sức của chính quyền địa phương. Khởi công Xây dựng nhà máy Glonic Việt Nam Chúng tôi đến thăm nhà máy Glonic Việt Nam, thuộc phường Phú Xá. Nằm trong khuôn viên hơn 6ha, nhà máy với tổ hợp của nhiều nhà xưởng liên hoàn, khang trang, hiện đại. Đặc biệt, đây là nhà máy thứ 2 được Bujeon Electonics xây dựng ở Việt Nam sẽ giải quyết 15.000 lao động ở cả 3 xưởng sản xuất với khoảng 500 triệu sản phẩm mỗi năm. Theo ông Nguyễn Mạnh Quang, phụ trách quản lý nhân sự nhà máy, hiện nay sau hơn 1 năm xây dựng và mới đi vào hoạt động, Glonic Việt Nam đã có trên 5.000 công nhân đang làm việc với thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Không những thế, từ nhiều tháng nay, văn phòng tuyển dụng của công ty luôn nhộn nhịp người đến nộp hồ sơ để được làm việc. Cho nên, mục tiêu tạo ra 15.000 việc làm của công ty là hoàn toàn khả thi. “Công nhân trong công ty ngoài được tạo cơ hội làm việc với thu nhập tốt còn luôn được đảm bảo các chế độ bảo hiểm, an toanflao động… Qua đó sẽ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương” ông Quang tự tin cho biết. Đó cũng chính là những hành động hữu hiệu nhất mà các doanh nghiệp “đền đáp” lại sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Chính vì vậy, hàng năm chỉ riêng trên địa bàn TP.Thái Nguyên, hàng nghìn lao động đã có việc làm, giúp cho Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc giải quyết được số lao động phổ thông đang ngày càng nhiều. Trong thời gian tới, để đảm bảo tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố nói riêng cũng như duy trì những chỉ số có vị trí cao, nâng bậc trên bảng xếp hạng PCI như chỉ số chi phí gia nhập thị trường- chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước- chỉ số chi phí không chính thức…TP.Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư vào thành phố; đổi mới lề lối tác phong của cán bộ, công dân khi đến liên hệ giao dịch; tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo mô hình thống nhất một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, địa phương tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, thẩm quyền, xử lý nghiêm các hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc; đồng thời thường xuyên biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ và phát huy lợi thế sẵn có nguồn cung cấp lao động dồi dào, chất lượng cao, bởi thành phố có nhiều trường chuyên nghiệp, cùng các trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn… Với cách làm đúng đắn và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, TP.Thái Nguyên sẽ còn thu được nhiều kết quả cao hơn nữa trong việc thu hút đầu tư trên địa bàn. Qua đó, sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động cũng như lượng học sinh, sinh viên lớn của thành phố, tiếp tục thể hiện vai trò “đầu tầu” của tỉnh và góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PCI 2014 và những năm tiếp theo./ (Theo VHDN) Nguồn: Báo Mới |