The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thanh tra chuyển giá: Điều làm Phó Thủ tướng giật mình

Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Trần Văn Phu cho biết

Cùng với Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên..., Lâm Đồng là một trong những địa phương được đánh giá là công tác chống chuyển giá đạt hiệu quả khá cao.

Tuy nhiên, hình thức chuyển giá đã "biến thái" sang nhiều hình thức mới.

"Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ chuyển giá bằng cách kê khai giá thấp hơn so với thị trường, so với giá bán thực tế; chuyển giá thông qua góp vốn đầu tư; chuyển giao công nghệ; chuyển giao vật liệu, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; thông qua chi phí trả lãi vay vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh... mà còn thực hiện chuyển giá bằng cách tính khấu hao thiết bị máy móc rất lớn khiến giá thành sản phẩm cao dẫn đến thua lỗ triền miên...", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Yên cho biết.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch này, các doanh nghiệp còn lợi dụng chính sách ưu đãi, sau khi hết thời gian ưu đãi đã thành lập công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn để được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo diện mở rộng sản xuất.

Nhìn vào kết quả giảm lỗ, truy thu, truy hoàn vào ngân sách nhà nước số thuế bị phát hiện qua chống chuyển giá, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh không khỏi "giật mình" vì số tiền gian lận còn lớn hơn gấp nhiều lần số thu ngân sách bình quân của một tỉnh cỡ trung bình trong năm 2014.

"Nhiều năm nay ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội thường đánh giá công tác chống chuyển giá chưa thực sự hiệu quả khiến môi trường sản xuất, kinh doanh bị méo mó, ngân sách bị thất thu. Năm 2015 và các năm tiếp theo, ngành thuế phải đẩy mạnh công tác này", Báo Đầu tư dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết.

Nhiều nghi vấn chuyển giá

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, khoảng 20% doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thừa nhận có thực hiện việc chuyển giá. Tuy nhiên, tới thời điểm này, mới chỉ có những nghi vấn chuyển giá khiến dư luận đặt dấu hỏi.

Mới đây nhất là vụ việc Metro Việt Nam. Được biết, trong suốt 12 năm kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3/2002 đến nay chỉ duy nhất vào năm 2010 Metro báo lãi 116 tỷ đồng, còn lại thua lỗ triền miên qua các năm. Theo đó, tính đến năm 2012 Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng. Chính vì hoạt động kinh doanh thua lỗ nên 12 năm hoạt động ở Việt Nam Metro chưa từng nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, Metro Việt Nam lại không ngừng mở rộng thị trường. Hệ thống siêu thị Metro liên tục tăng từ Bắc đến Nam với 19 trung tâm trên cả nước cùng 3.600 nhân viên. Trong năm 2012-2013, doanh thu hoạt động của Công ty Metro tại Việt Nam đạt 516 triệu Euro.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lên tiếng cho biết, từ khi thành lập, Metro Việt Nam đã nộp 921 tỷ đồng tiền thuế khác nhau, chứ không phải chưa nộp đồng nào, tuy nhiên, vấn đề Metro có chuyển giá hay không tiếp tục được dư luận đặt ra sau khi có thông tin Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).

Công ty Coca Cola Việt Nam cũng nằm trong diện nghi vấn của dư luận cũng như các chuyên gia. Chỉ riêng năm 2010, Coca cola lỗ 188 tỉ đồng (gần 9 triệu USD) và lỗ luỹ kế trong 1 thập kỷ gần đây lên tới 180 triệu USD. Kêu lỗ là vậy nhưng trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, Coca cola lại dự kiến sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào Việt Nam.

Tương tự, Nestlé là một trong những doanh nghiệp FDI có thị phần lớn tại Việt Nam, song sau 18 năm hoạt động Nestlé vẫn đang kinh doanh thua lỗ và chỉ có lãi trong 4 năm.

Theo con số được đưa ra trong một báo cáo của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu.

Đáng ngạc nhiên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, thanh kiểm tra các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, rất nhiều doanh nghiệp đã không còn lỗ nữa. Các nhà quản lý kinh tế đặt nghi vấn hãng này liên tục kêu lỗ để nhằm tránh một số khoản thuế.

An An

Theo baodatviet.vn ngày 24/01/2015