The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tháo gỡ tình trạng luật chồng luật về đầu tư, kinh doanh

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hiện vẫn chưa bảo đảm tính thống nhất, còn nhiều xung đột giữa các luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh là yêu cầu cấp bách từ thực tế, được kỳ vọng như một cuộc “tổng tấn công” vào những gì đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều thủ tục trùng lặp

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 37 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cần phải được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và tránh mâu thuẫn, chồng chéo, gồm có: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học công nghệ, các luật về thuế...

Các dự án đầu tư có sử dụng đất đang bị chi phối bởi nhiều quy định trùng lặp ở nhiều luật khác nhau.

Một trong những bất cập trong đầu tư, kinh doanh được nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp đề cập tới chính là các thủ tục liên quan tới đất đai, xây dựng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển chỉ rõ, hiện nay, để thực hiện thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, các doanh nghiệp bị chi phối bởi các luật: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Nhà ở. Theo thống kê, để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, doanh nghiệp phải thực hiện tới 25 thủ tục hành chính lớn, dưới mỗi thủ tục là hàng trăm thủ tục chi tiết. Trong đó, có những thủ tục phải thực hiện lặp lại nhiều lần với cùng một nội dung khiến thời gian làm thủ tục kéo dài, gây tốn kém về chi phí cũng như phát sinh tiêu cực. “Đơn cử với thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng, nhà đầu tư sẽ phải chạy quanh với các quy định về cùng nội dung này nhưng ở 3 luật là: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Luật Đầu tư yêu cầu hồ sơ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phải có nội dung về địa điểm. Luật Xây dựng lại quy định cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư cho các chủ đầu tư có yêu cầu, nhưng không hướng dẫn về quy trình thủ tục. Còn Luật Nhà ở thì ghi rõ là giới thiệu địa điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở”-ông Nguyễn Mạnh Hiển dẫn chứng.

Tham gia trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho rằng: Dự án bất động sản kéo dài 1 năm, doanh nghiệp sẽ chịu thêm khoảng 5% lãi suất ngân hàng. Cùng với chi phí lãi vay, chi phí liên quan đến thủ tục hành chính là 2 “thòng lọng” siết doanh nghiệp bất động sản nhiều nhất. “Với tình trạng thủ tục hành chính ngày càng nhiều và phức tạp, người chịu thiệt thòi là người dân vì tất cả các chi phí này được tính trong giá bán nhà”-ông Nguyễn Văn Đực thẳng thắn cho biết.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Tiến Vỵ, đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đề cập tới những vướng mắc trong quy định về các điều kiện kinh doanh. Ông Nguyễn Tiến Vỵ nêu, không chỉ Luật Đầu tư có quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện mà Luật Thương mại năm 2005 cũng có danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh… Trên thực tế, nhiều địa phương đã dựa vào quy định này và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Còn Luật sư Ngô Việt Hòa, đại diện Công ty General Motor cho rằng, Luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một.

Dùng một luật sửa nhiều luật

Theo các doanh nghiệp, mục tiêu cao nhất của các luật là cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đầu tư, kinh doanh theo đúng chỉ thị của Thủ tướng. Vì vậy, các cơ quan làm luật cần phải thay đổi tư duy làm luật, tránh tình trạng một luật thi hành trong thời gian dài rồi mới tổng kết, sửa đổi thì sẽ lỡ hết các cơ hội của nền kinh tế. Nếu các luật, nghị định, thông tư vừa ban hành bị phát hiện có những bất cập thì cũng cần nghiên cứu sửa ngay. “Doanh nghiệp cần các bộ nếu phát hiện ra các quy định sai, không phù hợp thì phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc các bộ có thừa nhận sai lầm của mình và có quyết tâm sửa hay không", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI gợi mở.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định, việc dùng một luật sửa nhiều luật như kế hoạch soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo chỉ thị của Thủ tướng sẽ tránh được tình trạng “cát cứ thẩm quyền” do việc các bộ được giao soạn thảo từng bộ luật gây ra.

Đồng ý với đề xuất cần có một luật để sửa nhiều luật, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vướng mắc trong quá trình làm luật không đơn giản là cần có những thuyết minh rõ ràng, thực tiễn để thuyết phục Quốc hội mà khó ở sự thống nhất của các bộ, ngành, các cấp chính quyền liên quan, bởi đây là vấn đề phức tạp đụng chạm tới quyền lợi của nhiều bộ, ngành khác nhau.

Phân tích kỹ hơn về nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, cho tới gần đây thì vẫn chưa có nhiều phương án được cho là khả thi dành cho dự án luật này. Quá trình làm luật đang bị vướng ở lợi ích giữa các bộ, các sở, vướng ở “quyền anh, quyền tôi”. Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, khi nghiên cứu sửa đổi bất cứ điều luật nào Nhà nước phải điều tiết hài hòa các lợi ích.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng luật này là nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: VŨ DUNG

QDND