Thay đổi diện mạo doanh nghiệp
Đến tháng 9/2016, 18 tỉnh, thành phố và 8 Bộ đã ghi nhận tình hình một năm triển khai thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư. Theo đó, hầu hết các tỉnh, thành phố triển khai nhất quán hai luật, đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh của DN không gián đoạn, xáo trộn.
Những đổi mới của Luật DN, Luật Đầu tư, cùng với việc nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, đưa vào hoạt động hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và việc thực thi nghiêm túc hai luật ở địa phương đã bước đầu mang lại kết quả.
Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Vĩnh Sơn, Khu công nghiệp Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết, Luật DN bắt đầu thực thi từ ngày 1/7/2015 đã khẳng định được vị trí quan trọng và ghi nhận sự đóng góp thiết thực của DN đối với phát triển kinh tế đất nước. DN đã yên lòng khi luật thừa nhận quyền của DN.
Cụ thể, tại Điều 7, Luật DN đã chỉ rõ, DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm. DN tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, chủ động chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô kinh doanh.
DN chủ động lựa chọn hình thức huy động vốn, phân bổ và sử dụng vốn. DN cũng có quyền chủ động kinh doanh xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường, khách hàng, tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. Hay DN cũng có thể chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình…
Đặc biệt, từ Điều 39 đến Điều 42 của luật quy định rất cụ thể những vấn đề về tên DN như quy định tên trùng và tên gây nhầm lẫn (trùng tên với DN đã đăng ký) là rất sát thực tiễn. Bởi tại Việt Nam trước giờ vấn đề tên DN trùng nhau gây hiểu lầm (về uy tín thương hiệu, chất lượng hàng hóa) trong người dân vẫn tồn tại, phiền toái, khó xử lý.
Nay luật đã quy định rõ, DN có thể yên tâm. Việc quản lý cũng rõ ràng khi hiện nay DN đã có mã số riêng như Điều 30 trong luật nói rõ, mỗi DN khi đăng ký kinh doanh có một mã số duy nhất (là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN), không được sử dụng để cấp lại cho DN khác…
Đối với Luật Đầu tư, theo ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định. Luật Đầu tư mới của Việt Nam đã khiến những nhà đầu tư nước ngoài yên tâm với rất nhiều điều khoản quy định cụ thể.
Trong đó, một số chương nổi bật như Chương II, Đảm bảo đầu tư, với các điều khoản như Điều 9, Đảm bảo quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thụ bằng biện pháp hành chính. Trường hợp nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia… thì nhà đầu tư được thanh toán bồi thường.
Ở các Điều 10 đến Điều 12 Luật quy định đảm bảo các hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài hay bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng…
Hay tại Điều 13 quy định bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật cũng khiến nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng vào chính sách pháp luật Việt Nam dành cho nhà đầu tư (Văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng, thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án).
Ghi nhận thực tế sau một năm hai Luật DN và Luật Đầu tư thực thi, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hai luật về cơ bản đã đi vào cuộc sống. Chúng ta đã có 6 nghị định, 6 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật. Ở địa phương, các tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc, nhất quán, đảm bảo hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN không bị gián đoạn.
Những đổi mới của Luật DN, Luật Đầu tư cùng với việc nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài đã mang lại hiệu quả tích cực, được cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Kết quả thấy rõ nhất là việc tăng gần như đột biến lượng DN thành lập mới.
Nếu trong năm 2015 có khoảng 95 nghìn DN thành lập mới thì dự báo năm 2016 sẽ có trên 100 nghìn DN mới thành lập. Trong 9 tháng/2016 đã có 23.950 DN tăng vốn điều lệ, với tổng số vốn là 690.000 tỷ đồng. DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong một đồng.
Đặc biệt, việc thực thi hai luật mới đã giảm hẳn thời gian, chi phí xử lý hồ sơ đăng ký DN mới. Trên cả nước có 86% hồ sơ thành lập DN được chấp nhận ngay lần đầu tiên và 89% hồ sơ trả đúng hẹn.
Thời gian xử lý hồ sơ giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới và 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, từ đó giảm hơn 500 ngày chờ đợi của DN. Những cải cách mạnh mẽ của hai luật đã được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trên các chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư.
Và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng) cũng ghi nhận đăng ký thành lập DN có bước tiến lớn nhất và có số điểm cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI. Những kết quả này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện nhất định ngay khi Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực.
Thanh Trà