Thêm 21 địa phương cam kết, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong tầm tay
Quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ là rất rõ ràng, nhưng quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhìn vào động thái của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện chương trình hành động như thế nào sau khi ký cam kết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là lưu ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Lễ ký cam kết thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 21 tỉnh, thành phố phía bắc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN), khẳng định: Trong 30 năm đổi mới, lực lượng DN và doanh nhân luôn đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa, đóng góp vào tăng trưởng, việc làm, của cải vật chất cho đất nước. Các văn kiện của Đảng, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị nói riêng về đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Hiến pháp mới hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), các DN khởi nghiệp.
Tuy đang tăng mạnh về số lượng, nhưng thực tế hiện tại, tỉ lệ số DN trên đầu người còn tương đối thấp so với quốc tế và khu vực. Do đó, muốn tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không cách nào khác là phải tạo dựng môi trường thuận lợi hơn nữa cho việc thành lập thêm DN.
Do đó, Việt Nam đã tích cực cải thiện các cơ chế chính sách, ban hành các luật mới với tinh thần đổi mới, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, mở ra nhiều cơ hội cho các DN. Đặc biệt, Nghị quyết 35 của Chính phủ là cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, từ khi ban hành Nghị quyết 35, mỗi tháng có gần 10.000 DN mới ra đời. Riêng tại Hà Nội, trong 8 tháng có hơn 15.000 DN ra đời, nâng số cam kết đến năm 2020 của Hà Nội lên mức ít nhất có 400.000 DN. Nếu cộng với cam kết của TPHCM là ít nhất có 500.000 DN thì riêng 2 thành phố lớn đã có 900.000 DN vào năm 2020.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp như các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị trình Quốc hội Luật sửa đổi 15 luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa…sẽ có tác động lớn đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ngoài ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ tập trung hỗ trợ các DNNVV, hỗ trợ DN khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, tác động để chuyển các hộ kinh doanh lên thành DN.
“Quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ là rất rõ ràng, nhưng cộng đồng DN tại các địa phương sẽ nhìn vào động thái của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện chương trình hành động như thế nào sau khi ký cam kết”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh lại yêu cầu với VCCI về việc thống kê số DN, đồng thời phối hợp với Tổng cục Thống kê xây dựng bộ chỉ số “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp” để đánh giá như các chỉ số PCI, PAPI…
“Sẽ phải thống kê đầy đủ chỉ số đóng góp của DN gồm: Lợi nhuận của DN tạo ra trên địa bàn cộng thu nhập của người lao động, từ đó, đánh giá giám sát chất lượng phát triển DN của các tỉnh. Mục tiêu quan trọng là phải theo dõi được DN ra đời không chỉ về số lượng, mà còn chất lượng, hướng tới việc tạo dựng các DN hoạt động hiệu quả thực chất nhiều hơn”, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu cụ thể.
Với chính quyền các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo mảnh đất nuôi dưỡng DN, tạo niềm cảm hứng cho những DN sẵn sàng tham gia thị trường.
“Các địa phương cần làm tốt việc thu hút FDI, các nhà đầu tư chiến lược lớn, tạo nên xung lực mới cho phát triển, làm môi trường có nhiều DN vệ tinh tham gia”, Phó Thủ tướng cũng lưu ý.
Riêng về hoạt động khởi nghiệp, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của TP. Hà Nội về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý phải triển khai theo mô hình đối tác công tư, chứ không hành chính hóa. “Nếu hành chính hóa thì có vườn sẽ không có ươm, có ươm cũng ít kết quả. Do đó, cần tạo nhiều vườn ươm cho DN nhưng theo nguyên tắc thị trường, quan hệ đối tác công tư. Ví dụ, Hà Nội hỗ trợ đất đai, còn lại các DN nghiệp đóng góp phí hoạt động, bảo đảm DN gia nhập thị trường với điều kiện tốt nhất và chi phí thấp nhất”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký cam kết. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
“Luật hỗ trợ DNNVV sẽ tăng cường hỗ trợ các Quỹ bảo lãnh tín dụng, trình Quốc hội thông qua Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ DN khởi nghiệp. DN khởi nghiệp có rủi ro cao, chỉ khi tăng tốc thì ngân hàng mới vào cuộc cấp vốn, giai đoạn đầu rất cần quỹ đầu tư mạo hiểm”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trong 3 tháng kể từ khi ban hành Nghị quyết 35 là hành trình rất quyết liệt của Chính phủ. “Với việc xây dựng 50 Nghị định hướng dẫn về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ban hành Luật sửa nhiều luật đang triển khai rất quyết liệt, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của VCCI, làm đi làm lại nhưng không có chỗ cho bàn lùi”, ông Lộc nói.
Đại diện VCCI đánh giá: Niềm tin của cộng đồng DN đang được khơi dậy không chỉ trong nước, mà còn ở cộng đồng DN quốc tế, mở ra nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Với việc lần đầu tiên vượt ngưỡng có hơn 100.000 DN thành lập mới trong một năm (tính đến tháng 9/2016), có thể nói, Nghị quyết về phát triển DN khởi nghiệp đã bước đầu thành công.
“Quá trình ký kết cam kết với các địa phương là quá trình truyền ngọn lửa cải cách từ Chính phủ xuống các địa phương. Do đó, mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu DN vào năm 2020 chắc chắn trong tầm tay”, lãnh đạo VCCI khẳng định.
Dưới góc độ địa phương, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, một tỉnh đang có nhiều chuyển biến chia sẻ các kết quả bước đầu như việc triển khai các sáng kiến về “cà phê DN”, nơi lãnh đạo tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh Tuyên Quang đã tập trung giảm thủ tục hành chính, ví dụ lĩnh vực đất đai giảm hơn 50% thủ tục, giảm 16,7-50% lĩnh vực khởi nghiệp, với lĩnh vực xây dựng giảm 31,7-33%...
“Địa phương mong muốn thường xuyên phối hợp với các hiệp hội tạo ra các cách thức mới thu hút đầu tư phát triển các dự án mới. Các cơ quan hành chính của địa phương phải xác định cùng nhau trên một chiếc thuyền, muốn vượt khó phải cùng đồng lòng, chính quyền phải thực hiện tinh thần là nền hành chính phục vụ của Chính phủ đề ra”, ông Huấn nói.
Tại cuộc đối thoại ngày 29/4 của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN, VCCI đã ký thỏa thuận với Hà Nội và TPHCM. Sau đó, với Nghị quyết 35 hỗ trợ phát triển DN với một trong các yêu cầu là các tỉnh phải xây dựng chương trình hành động tại địa phương, đồng thời ký cam kết với VCCI về phát triển doanh nghiệp, VCCI đã tổ chức ký kết với 42 tỉnh, thành phố. Đến ngày 22/9, với việc ký kết với 21 địa phương tiếp theo gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, thỏa thuận đã bao phủ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của cả nước. |
Huy Thắng