Thêm nguồn vốn cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chủ trương tự do hóa kinh doanh cộng với cơ hội từ hội nhập kinh tế thế giới khiến cho cộng đồng DN Việt Nam có bước phát triển khá nhanh suốt ba thập kỷ qua. Tuy nhiên cho đến gần đây nhìn lại, các chuyên gia cảnh báo một hiện tượng đáng quan ngại là DN Việt “không chịu lớn”.
DN nhỏ còn khó tiếp cận vốn
Giải thích lý do, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam – cho biết khó khăn dai dẳng nhất cản bước DN phát triển vẫn là thiếu vốn. Bản chất của câu chuyện này là DNNVV không đáp ứng được tiêu chuẩn tiếp cận vốn.
Theo Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, tỷ lệ các DNNVV có khoản vay thấp hơn đáng kể so với các DN quy mô lớn. Trung bình chỉ có 40% DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn vay, trong khi con số này ở DN nhỏ là 62%, DN quy mô vừa 74%, và lên tới 81% đối với các DN quy mô lớn.
Cũng theo dữ liệu từ điều tra PCI nói trên, trong giai đoạn 2010-2015, khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV không có nhiều cải thiện. Tỷ lệ DN có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng chỉ tăng nhẹ từ 1-2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2012-2015.
Liên quan đến nguyên nhân khó vay vốn, kết quả điều tra của PCI trong nhiều năm qua chỉ rõ, gần 90% DN đồng tình với nhận định “không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp”. Điều này có nghĩa là, ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng chưa thể đảm bảo hoàn toàn cho các DN này tiếp cận được nguồn vốn.
Và thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, thời gian vay của họ cũng chỉ trong vòng 1 năm với mức lãi suất cao tương đương các nhóm DN khác. Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để DN thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn.
Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến nghị hình thành thị trường vốn thuận lợi hơn. Tất nhiên, kèm theo đó các DNNVV phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kinh doanh chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị cũng như minh bạch hơn các hoạt động của mình. Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể là đẩy mạnh hình thức cho vay vốn được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, cho vay tín chấp đối với dự án, hợp đồng xuất khẩu…
Thêm nguồn vốn cho DN
Trên thực tế, thời gian qua Chính phủ và NHNN cũng đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế về chính sách tài chính hỗ trợ cho khu vực DNNVV. Theo đó, các NHTMCP cũng tích cực triển khai xây dựng các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các đối tượng này với nguồn vốn lớn. Nhiều NHTM như Sacombank, VPBank, TPBank, HDBank… đều đưa ra các chương trình cho vay tín chấp nhằm hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ cho DNNVV.
Cùng với nguồn vốn từ ngân hàng, các DNNVV cũng đang được tiếp sức từ dòng vốn của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV (Quỹ SMEDF). Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ SMEDF khẳng định, DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập. Quỹ SMEDF được thành lập sẽ tạo điều kiện thông thoáng về tiếp cận vốn cho các DN này.
Hiện nay, SMEDF đã chọn ba TCTD là BIDV, Vietcombank và HDBank làm ngân hàng ủy thác. Đây là các đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay vốn của các DN từ SMEDF chuyển xuống cũng như thực hiện giải ngân, theo dõi các khoản nợ… với các hồ sơ đạt yêu cầu.
Các ngân hàng ủy thác cũng là điểm mối tiếp nhận hồ sơ vay vốn của các DN. Theo đó, các DNNVV được vay với hạn mức tối đa lên đến 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án, phương án sản xuất kinh danh (không bao gồm vốn lưu động) và tối đa không quá 30 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt trong chính sách vay vốn này là DNNVV có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. DN được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn các phí trả nợ trước hạn. Nợ vay gốc còn có thể được ân hạn đến 18 hoặc 24 tháng, tùy theo chương trình cụ thể. Mỗi chương trình đều có những chính sách ưu đãi và điều kiện cụ thể về mức vốn, tiêu chí…
Theo đại diện BIDV, ngân hàng này đã có kinh nghiệm nhiều năm triển khai các chương trình hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Chính phủ như gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường BĐS, Nghị định 67 hỗ trợ đánh bắt xa bờ, gói tín dụng hỗ trợ ngành y tế…
Trên cơ sở cam kết hỗ trợ của BIDV đối với khách hàng vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của Quỹ, BIDV đã được lựa chọn là một trong ba ngân hàng được nhận ủy thác của Quỹ SMEDF. Hiện nay BIDV cũng đang đóng vai trò rất tích cực trong quá trình triển khai các chương trình ủy thác cho vay của quỹ.
Có thể nói, để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV Việt Nam trong thời gian tới, những chính sách và pháp luật có liên quan tới DNNVV cần nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các DNNVV đang gặp phải hiện nay, đồng thời cũng cần xóa bỏ những rào cản khiến các DNNVV “ngại lớn”.
Minh Hiếu