Thị trường ASEAN chính thức vận hành: ‘Lửa thử vàng’ cho doanh nghiệp Việt
Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành với quy mô hơn 600 triệu dân. Các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, doanh nghiệp và các nhà quản lý lao động đánh giá sự hội nhập này sẽ tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức đối với lao động trong nước về trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ và trình độ ngoại ngữ.
Cánh cửa cơ hội rộng mở
Phát biểu trên trang điện tử chinhphu.vn về sự kiện thị trường ASEAN sẽ chính thức vận hành vào ngày 1/1/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho đất nước ta, cho cuộc sống người dân.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tạo ra một thị trường chung rộng lớn, mở ra nhiều cơ hội và thách thức Theo đó, cơ hội rõ ràng nhất là từ khía cạnh kinh tế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra một thị trường chung rộng lớn với 625 triệu người, tổng GDP gần 3.000 tỉ USD. Ước tính, việc thực hiện đầy đủ AEC và các Hiệp định thương mai tự do (FTA) ASEAN+1 vào năm 2018 sẽ giúp GDP các nước ASEAN tăng thêm 4,5% so với năm 2007, tạo việc làm, tiền lương của lao động giản đơn tăng hơn 7,6%, riêng lương của lao động lành nghề có thể tăng tới 9,6%.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Còn người dân thì có thêm nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn.
Theo ước tính, việc tham gia AEC dự kiến sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 14,5% và việc làm tăng thêm 10,5% đến năm 2025. Lao động có tay nghề sẽ được tự do di chuyển và tìm việc làm thuận lợi hơn trong khu vực. Điều này rất quan trọng đối với chúng ta, bởi miếng cơm manh áo của hàng trăm nghìn người Việt Nam trông vào xuất khẩu lao động.
Bên cạnh các lợi ích đo đếm được nói trên, người dân cũng sẽ được thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú hơn. Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN sẽ mở ra các cơ hội cho người dân Việt tiếp xúc, học tập, giao lưu, du lịch, qua đó cảm nhận sự đa dạng văn hóa trong đại gia đình ASEAN.
Chẳng hạn, việc lập Cổng xuất nhập cảnh ASEAN tại các cửa khẩu sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục tại sân bay khi đi du lịch hay công tác. Điều kiện để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... cũng ngày càng cao hơn trước.
Bàn về cái được của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN với PV Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, ở khía cạnh tích cực, sự cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao chất lượng của mình, và cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, ở góc nhìn của cơ sở đào tạo nghề, ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, lạc quan đánh giá đây là cơ hội tốt để nguồn nhân lực của Việt Nam, đặc biệt lao động trẻ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực, thay vì xoay xở tìm việc trong nước.
Đáng chú ý, việc hội nhập trong Cộng đồng ASEAN sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam mở rộng thị phần, tham gia nhiều hơn vào các thị trường khu vực. Bên cạnh sự cạnh tranh, việc tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán sẽ giúp cải thiện trình độ quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam.
Vẫn còn đó những thách thức
Theo thỏa thuận trong Cộng đồng ASEAN, ít nhất trong 8 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp hiện nay sẽ tạo ra ngay sự dịch chuyển giữa các quốc gia là: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc, lao động Việt hoàn toàn có cơ hội lớn hơn để tìm kiếm các công việc tại Cộng đồng ASEAN .
Tuy nhiên, báo Pháp Luật TPHCM dẫn lời phân tích của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng: Với 3 nhược điểm lớn là thiếu chuyên môn, các kỹ năng chưa phù hợp, ngoại ngữ còn hạn chế, lao động Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức để thực sự gia nhập thị trường lao động tại Cộng đồng ASEAN.
Quan điểm của ông Trần Anh Tuấn rất trùng hợp với đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chất lượng lao động Việt. Cụ thể theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chất lượng lao động Việt chỉ đạt 3.79 trên thang điểm 10, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng.
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, nhiều ý kiến lo ngại, sức cạnh tranh của hàng tiêu dùng trong ASEAN sẽ tác động xấu đến sản xuất trong nước, khiến doanh nghiệp trong nước mất thị phần, phá sản, hệ lụy người lao động, nền kinh tế...
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự chuẩn bị gì đáng kể. Ở chiều xuất khẩu, mức độ tận dụng ưu đãi thuế của doanh nghiệp trong ASEAN còn thấp, theo đánh giá vào khoảng 30%-40% kim ngạch trong khi đó ở chiều nhập khẩu, thị trường đang chứng kiến làn sóng ồ ạt của hàng hóa tiêu dùng nước ngoài nhập khẩu, giành giật thị phần với hàng nội.
Đặc biệt, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết sẽ đặt ra không ít thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam. TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược vàChính sách tài chính, Bộ Tài chính đánh giá, hiện trong khối AEC vẫn còn sự chênh lệch giữa các quốc gia trong khối ASEAN và giữa Việt Nam với các nước ASEAN 5 về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế, cũng như sự không đồng đều của ngành ngân hàng cũng như sự khác biệt quản trị rủi ro.
“Không chỉ Việt Nam mà các nước đang phát triển trong ASEAN cũng khá lo ngại về việc mở cửa thị trường tài chính do khoảng cách giữa các tổ chức còn rất lớn, tính cạnh tranh của DN trong nước không cao”, ông Lợi cảnh báo.
Theo vị chuyên gia này, khi mục tiêu tự do luân chuyển dịch vụ và lao động trong khối AEC được thực hiện, các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao trong khối như Singapore, Thái Lan, Malaysia sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ dịch vụ tài chính, ngân hàng. Các định chế trung gian tài chính Việt Nam sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Đặc biệt, khi AEC hoàn thành mục tiêu tự do luân chuyển về vốn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn chảy vào, chạy ra.
“Sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài sẽ làm gia tăng mối lo về bong bóng giá tài sản cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập. Dòng vốn được tự lo luân chuyển sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột, đặc biệt với quy mô lớn, sẽ là nguyên nhân mất ổn định đối với thị trường tài chính”, ông Lợi phân tích.
Trước bài toán khó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề cần thiết lúc này là phải dốc toàn lực để nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, của toàn nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Đặt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt hơn nhưng bản thân nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, nên Thủ tướng cho rằng trước hết cần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Tiếp đến là ra sức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp có nguồn lực và điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn hội nhập.
Tuyết Trinh (T/h)