Thị trường BĐS Việt Nam: Điều gì đã thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng 2010 - 2013?
Chỉ vài năm sau cuộc khủng hoảng 2010 - 2013, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ ở các phân khúc nhà ở và ngôi nhà thứ 2.
Thị trường BĐS Việt Nam những năm gần đây đã ghi nhận sự thay đổi chóng mặt. Thậm chí tốc độ thay đổi này còn khiến giới chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất trong khu vực.
Ông Matt Powell, giám đốc Savills Hà Nội cho rằng: “Đây là thời điểm rất sôi động cho thị trường BĐS Việt Nam. Trong nhiều năm qua, thị trường này đã hoạt động tốt về cả chất lượng và số lượng. Các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM đều ghi nhận sự phát triển tầm cỡ ở cả số lượng và quy mô các dự án nhà ở. Các tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang… lại nổi lên với phân khúc nghỉ dưỡng vô cùng hấp dẫn”.
Chứng kiến những bước tiến vượt bậc thời gian gần đây và nhìn lại khoảng thời gian 2010 - 2013 khi thị trường BĐS Việt Nam rơi vào tình trạng bong bóng, giới chuyên gia và các nhà phát triển đã đặt ra câu hỏi: “Điều gì đã thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng 2010 - 2013? Và điều gì sẽ làm cho sự bùng nổ của thị trường BĐS hiện tại khác với “quả bom” thời khủng hoảng đó?”
Theo bà Dương Thùy Dung - CBRE Việt Nam: “Sau cuộc khủng hoảng của thị trường BĐS, chúng ta đều đã nhìn thấy những chính sách khuyến khích thị trường và bảo vệ khách mua BĐS đã được Chính phủ Việt Nam đưa ra. Ví dụ như việc quy định bắt buộc phải có bảo lãnh ngân hàng đối với các dự án phát triển nhà ở”
“Nhiều rào cản trong chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đã được gỡ bỏ. Điều quan trọng nhất là thị trường đã được củng cố toàn diện, khắc phục tình trạng thiếu cung đối với một số dòng sản phẩm nhất định”, bà Dung nói thêm.
Trên thực tế, bức tranh tổng thể hiện nay của thị trường BĐS dường như khá tươi sáng. Vốn đầu tư vào BĐS đã tăng 12% so với năm 2016.
Ngoài việc Chính phủ đã có động thái kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn vốn cho vay và lãi suất, các dự án BĐS hiện tại cũng có chất lượng cao hơn, rào cản đối với sở hữu nhà cho người nước ngoài đã bị xóa bỏ, nhiều yếu tố cơ bản đang ngày càng tỏ ra hấp dẫn đầu tư…
Chưa kể, giá BĐS Việt Nam vẫn thể hiện sự hấp dẫn khó cưỡng đối với giới đầu tư. Đơn cử tại TP.HCM - thành phố đắt đỏ nhất cả nước - giá BĐS trung bình chỉ dưới 5.000 USD/m2, thấp hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta hay so với Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc - những nơi mà giới đầu tư đang có sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường BĐS Việt Nam.
Ở thị trường ngôi nhà thứ hai, một căn nhà hạng sang với 4 - 5 phòng ngủ rộng từ 800 - 1.000m2 tại Đà Nẵng, Nha Trang có thể khiến nhà đầu tư xuống giá với mức 1 - 2 triệu USD. Và mức giá này vẫn được coi là quá hời. Đối với những nhà đầu tư muốn mua BĐS để cho thuê, lợi nhuận từ 5 - 8% cũng là một con số không tồi.
Bên cạnh đó, các dự án cơ sở hạ tầng cũng được chính phủ Việt Nam chú trọng như các tuyến giao thông công cộng quy mô lớn tại Hà Nội, TP.HCM; các sân bay mới được xây dựng và mở rộng tại Đà Nẵng, Phú Quốc… cho thấy dường như sẽ không có bất kỳ sự bất ổn nào trong tương lai dài hạn. Và đây cũng là lý do tại sao BĐS Việt Nam ngày càng trở thành sự đặt cược chắn chắn nhiều hơn là một thị trường mới nổi đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một thay đổi đáng kể từ “thời kỳ đen tối” của thị trường BĐS Việt Nam đó chính là hiện nay, các doanh nghiệp đều tăng cường tập trung vào dịch vụ và nâng cao giá trị tiện ích.
Các doanh nghiệp ngày càng tập trung phát triển dự án một cách chọn lọc và thông minh hơn, phục vụ nhu cầu khách hàng với những sản phẩm chất lượng cao, hơn là làm gia tăng khả năng bong bóng cho thị trường bằng cách lao vào cuộc đua tranh giành tiền mặt từ khách hàng.
Ông Chen Lian Pang, Giám đốc điều hành của CapitaLand Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cố gắng cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất thông qua đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Một bộ phận quan hệ khách hàng đã được thiết lập dành riêng cho khách hàng, giúp họ có thể nghiên cứu từng bước trong quá trình mua một BĐS, từ các thủ tục thanh toán, chuyển giao đơn vị đến duy trì sự phát triển của sản phẩm”.
Một sự đột phá khác của thị trường BĐS Việt Nam những năm gần đây đó là việc các doanh nghiệp tập trung vào mở rộng thị trường xây dựng xanh. Theo Melissa Merryweather, Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, số dự án công trình xanh hiện nay đã tăng gấp đôi mỗi năm trong vài năm qua, với hơn 100 dự án được cấp giấy chứng nhận Công trình xanh hoặc đang trong thời gian hoàn thành chứng nhận.
Mặc dù đây là tiến bộ đáng kể nhưng phải thừa nhận rằng con số này vẫn là một phần rất nhỏ của số lượng các dự án xây dựng mới trên cả nước.
“Với một thị trường có sự đầu cơ khá mạnh như hiện nay, nhiều chủ đầu tư lớn cho rằng họ không cần những lợi thế mà một công trình xanh mang lại. Tuy nhiên, một số nhà phát triển tầm trung và nhỏ đã nhận ra rằng công trình xanh rất hấp dẫn các khách hàng có trình độ học vấn cao. Chính vì vậy họ đã sử dụng yếu tố này để thúc đẩy thị trường và tăng doanh số bán hàng”, Melissa Merryweather nhận định.
Trả lời câu hỏi “Đâu sẽ là điểm đến tương lai của thị trường BĐS Việt Nam?”, giới nhiên cứu cho rằng, nếu như những năm qua, Hà Nội và TP.HCM là những cái tên được chú ý nhiều với các dự án nhà ở từ cao cấp đến trung cấp thì thời gian tới, thị trường BĐS Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn với danh xưng là điểm đến cho các nhà đầu tư vào ngôi nhà thứ hai.
Với môi trường kinh doanh thuận lợi (được đánh giá cao nhất về Chỉ số Cạnh tranh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong bốn năm qua) và các đặc trưng về lối sống, với những bãi biển đẹp nhất, Đà Nẵng từ lâu đã xuất hiện trên radar tìm kiếm của giới đầu tư. Năm nay, thành phố biển miền trung này còn là nơi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, đây là vinh dự mang đến cho Đà Nẵng cơ hội “vàng” để xây dựng thương hiệu và thu hút lượng lớn đầu tư.
“Đà Nẵng thu hút cả khách hàng trong và ngoài nước vì nhiều lý do: hình ảnh thành phố trẻ, năng động, xanh, triển vọng du lịch, cơ sở hạ tầng hiện đại với kết nối được cải tiến, đa dạng về các sản phẩm BĐS, chính sách bán hàng hấp dẫn”, ông Matt Powell nói.
Đồng quan điểm về thị trường này, Hoi Cheung - người đồng sáng lập Hitchbird, một nhà đầu tư đến từ Hồng Kông cho rằng: “Đà Nẵng nhắc tôi nhớ về Phuket cách đây 20 năm. Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh nhưng thành phố này vẫn có rất nhiều đất sẵn có và mức giá BĐS hiện tại vẫn vô cùng hấp dẫn”.
Theo ông Rudolf Hever, giám đốc Savills Hotels, Châu Á Thái Bình Dương, cho rằng cùng với Đà Nẵng, các địa điểm như Phú Quốc, Hồ Tràm, Hạ Long, Quảng Nam… sẽ chứng kiến một làn sóng lớn ở phân khúc ngôi nhà thứ hai trong 3 năm tới.