The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thị trường ô tô: Gỡ rào cản để phát triển lành mạnh

Sau 5 năm thi hành, Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12-5-2011 của Bộ Công Thương (Thông tư 20) quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã hết hiệu lực. Trong xây dựng chính sách mới để quản lý thị trường ô tô nhập khẩu hiện nay, đang đặt ra bài toán khó để vừa quản lý tốt, không phá vỡ chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam, vừa không để hiện tượng độc quyền, giúp cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Bãi bỏ hay gia hạn?

Hiện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều phản đối gia hạn Thông tư 20 vì không có lợi cho thị trường. Song các nhà sản xuất và phân phối xe thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA), nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng (VIVA), lại ủng hộ gia hạn và đề nghị nâng thông tư lên thành nghị định.

Theo VCCI, Thông tư 20 đã siết chặt thị trường xe nhập không chính hãng, khiến hàng trăm showroom xe nhập khẩu thua lỗ và phải đóng cửa do không còn cửa để đưa xe về nước. Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển sang buôn bán xe cũ. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, số doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô đã giảm từ 200 xuống chỉ còn khoảng 20, nhiều doanh nghiệp có khả năng tích lũy vốn để sau này có thể trở thành những nhà tiền sản xuất hay lắp ráp thì nay đã gần như hết đường phát triển.

Ô tô được sản xuất tại nhà máy của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tại Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Nguyên Minh

Một cửa hàng kinh doanh các loại ô tô cũ tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ảnh: Văn Thi

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho biết, do không có khả năng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Thông tư 20, công ty ông từ chỗ là một công ty lớn chuyên nhập khẩu các loại xe nay đã chuyển sang kinh doanh xe cũ.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Những rào cản của Thông tư 20/2011/TT-BCT còn khiến người tiêu dùng cũng phải trực tiếp gánh chịu nhiều hệ lụy. Số ít các đơn vị nhập khẩu xe còn lại đã dùng đủ chiêu để đưa xe về nước. Một số doanh nghiệp nhập khẩu dựa vào quan hệ để đưa xe về nước qua đường Việt kiều hồi hương, nhưng số lượng giới hạn nên thường chỉ tập trung vào các dòng xe siêu sang, đắt tiền. Số còn lại phải tìm cách biến xe mới thành cũ bằng cách mua mới ở nước ngoài rồi thuê người chạy xe để có đủ hoặc gần đủ số công tơ mét (10.000km) theo quy định. Sau khi đã đủ độ “cũ” theo tiêu chuẩn, xe sẽ được nhập khẩu về nước và chịu thuế tuyệt đối khiến tổng số tiền thuế cao hơn hẳn các xe mới cùng chủng loại. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chỉ cho xe vận hành vài nghìn ki-lô-mét rồi điều chỉnh công-tơ-mét để qua mặt cơ quan chức năng.

Trên thực tế, khi xe được đưa về nước nhưng do những cách làm trên cùng hàng loạt loại thuế phí đã khiến giá xe nhập khẩu bị đẩy cao và chủng loại xe bị hạn chế, chất lượng giảm sút. Tất cả những hệ lụy đó đều được chuyển sang phía người tiêu dùng gánh chịu. Thông tư 20 đã khiến xe nhập về Việt Nam chênh giá rất cao so với giá xe không chính thức cùng loại, cao hơn từ 20 đến 30%.

Bên cạnh đó, việc áp dụng Thông tư 20/2011/TT-BCT đã đẩy thị trường xe vào thế độc quyền. Do đó, khách hàng không có nhiều lựa chọn và giá xe lại cao. Hầu hết các nhà phân phối chính hãng đều bị ép doanh số và kèm theo đó phải đẩy đi một số lượng hàng tồn kho nhất định, tức là các loại xe ế, mẫu mã cũ cũng phải được bán ra thị trường. Nhà phân phối xe chính hãng không thể nhanh chóng đưa các phiên bản mới nhất về nước...

Cần có chính sách mới hợp lý

Chỉ sau một năm Thông tư 20/2011/TT-BCT có hiệu lực, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị loại bỏ điều kiện doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng để tránh sự độc quyền. Theo ngành hải quan, không thể viện dẫn tắc nghẽn giao thông do xe nhập khẩu, vì người dân có tiền thì cũng sẽ mua ô tô trong nước lắp ráp, cái chính là chính sách quản lý sao cho phù hợp.

Phía VAMA gửi công văn tới Bộ Công Thương, cho rằng cần giữ Thông tư 20/2011/TT-BCT; việc hủy thông tư, cho phép nhập thương mại nhỏ lẻ sẽ gây hại đến người tiêu dùng và ngân sách nhà nước. Bộ Công Thương đồng quan điểm đưa các quy định của Thông tư 20 lên thành nghị định, điều kiện nhập khẩu, kinh doanh xe hơi nhập vẫn sẽ không có gì thay đổi.

Song đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Thông tư 20 vô tình tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ô tô tại Việt Nam vì chỉ có họ mới có được giấy ủy quyền chính hãng từ các công ty mẹ. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp ô tô trong nước, mà còn tạo ra sân chơi riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm cho thị trường kinh doanh ô tô méo mó và người tiêu dùng là thiệt thòi nhất khi không được chọn những chiếc xe và giá cả phù hợp với mình. Đồng thời lợi nhuận lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài mà nhà nước cũng không thu được thuế.

VCCI cho rằng, nhập khẩu ô tô không thuộc 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định theo luật. Do vậy, kéo dài Thông tư 20/2011/TT-BCT là trái luật và đang làm thị trường ô tô nước nhà phát triển thiếu lành mạnh. Việc bãi bỏ Thông tư 20 là cần thiết và phải tiến hành ngay. Các quy định của Thông tư 20 thực chất là các điều kiện kinh doanh dưới luật do Bộ Công Thương đưa ra. Việc đưa các quy định của Thông tư 20 vào dự thảo nghị định là không hợp lý.

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: "Khi Thông tư 20 ra đời, quy mô thị trường tiêu thụ xe hơi của Việt Nam rất bé. Nhưng nay, quy mô thị trường đã lớn thì phải có chính sách phù hợp. Quyền lực nhập khẩu không thể tập trung vào tay chỉ một vài doanh nghiệp lớn khiến lũng đoạn giá, bóp méo thị trường. Thị trường và người tiêu dùng đang chịu thiệt về giá, bởi quyền nằm trong tay của một vài đơn vị nhập khẩu, khiến giá xe nhập tại Việt Nam cao hơn nhiều so với xe cùng loại ở các nước lân cận".

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết: Hội đồng Tư vấn thẩm định đã có văn bản nhất trí quy định của Bộ Công Thương là không phù hợp quy định pháp luật về cạnh tranh, cản trở cạnh tranh, đồng thời chưa phù hợp với Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xử lý quy định nêu trên cho phù hợp, thậm chí bỏ điều kiện kinh doanh này.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc xem xét Thông tư 20 có phải là một điều kiện kinh doanh đối với ô tô nhập khẩu nữa hay không, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy định đối với ô tô nhập khẩu sẽ được xem xét đánh giá kỹ lưỡng và mục tiêu chính là hướng tới việc bảo đảm sự bình đẳng về môi trường kinh doanh giữa các thành phần kinh tế.

Thiết nghĩ, chính sách quản lý cần làm sao giúp thị trường phát triển lành mạnh, đa dạng, không độc quyền, giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có quyết định hợp lý, có chính sách quản lý phù hợp, tạo ra luồng gió mới giúp vừa quản lý tốt, vừa xóa bỏ rào cản bất hợp lý để thị trường ô tô phát triển lành mạnh.

Bài và ảnh: VĂN THI

Quân đội Nhân dân