The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thiếu liên kết, doanh nghiệp khó nâng sức cạnh tranh

Việc lo sợ liên kết sẽ khiến doanh nghiệp gặp nguy cơ bị mất bí quyết kinh doanh, bị san sẻ bạn hàng, thậm chí bị cạnh tranh không lành mạnh bởi chính các đối tác liên kết… Đây là tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới được tổ chức mới đây.

Khó duy trì liên kết đúng hướng, bền vững

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng miền Trung (DMT) – một trong những đơn vị đầu tư, thi công, xây lắp nhiều công trình hạ tầng lớn tại miền Trung, cho biết, để triển khai các dự án, DMT phải bắt tay liên kết cùng nhiều đơn vị thi công, nhiều nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ và gia tăng hiệu quả đầu tư tài chính, thu hồi vốn. Việc bắt tay hợp tác không khó. Cái khó là làm sao giữ được mối liên kết đúng hướng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, thậm chí là duy trì được lâu dài qua nhiều công trình, nhiều đời dự án để có thể trở thành các đối tác tin cậy.

Qua khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động, những khó khăn vướng mắc và nhu cầu đối thoại của doanh nghiệp năm 2016, ông Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng nhận định, cũng do thị trường nhỏ nên việc liên kết giữa các doanh nghiệp là rất khó khăn. Nguyên nhân đầu phải kể tới là nhận thức chưa đúng đắn của doanh nghiệp về vai trò của liên kết, dẫn tới tâm lý e dè, lo ngại hậu quả có thể mất bạn hàng, mất thị trường… Đây là câu chuyện niềm tin, nên cũng khó trách doanh nghiệp.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam với hơn 98% là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thì xu hướng cần thiết để thích nghi với hội nhập là các doanh nghiệp phải liên kết và xác định rõ mục tiêu liên kết, nhằm đem lại những hiệu quả cao hơn, có lợi hơn cho mọi thành viên tham gia. Việc liên kết có thể được thực hiện giữa các chủ thể doanh nghiệp như các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên cùng địa bàn, các doanh nghiệp trong cùng tỉnh, thành phố hoặc sự liên kết giữa các đối tác hợp tác; giữa bên sản xuất với bên tiêu dùng…

Nhiều loại hình liên kết được phân loại theo từng mục đích khác nhau như: liên kết để chia sẻ thông tin nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh; liên kết giữa các đơn vị cùng ngành có đầu ra giống nhau; liên kết giữa các đơn vị cùng tạo ra những sản phẩm có liên quan với nhau; liên kết giữa nhà sản xuất với đơn vị có nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào liên kết với bạn hàng sử dụng nguyên vật liệu của doanh nghiệp để sản xuất, liên kết với đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, liên kết với đơn vị xuất nhập khẩu hàng cho doanh nghiệp, liên kết với đơn vị cung cấp dịch vụ kho bãi, vận tải, giao hàng… hay liên kết với các đơn vị cung cấp/cho thuê thiết bị, dụng cụ sản xuất/lao động, liên kết với đơn vị cho vay tín dụng… cùng nhiều mục đích khác.

Cần sự hỗ trợ, khuyến khích từ các cấp, ngành

Qua quá trình khảo sát ý kiến doanh nghiệp để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của nhiều địa phương trên cả nước, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với tâm lý ít chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ (thành phần chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp), luôn gặp khó khăn trong quá trình hoạt động và chỉ quẩn quanh với thị trường nội địa. Vì thế, kết quả kinh doanh thường là ảm đạm. Nhất là trong bối cảnh, môi trường kinh doanh nói chung và ở nhiều địa phương nói riêng còn chưa nhiều thuận lợi như hiện nay. Điều này cũng liên quan ít nhiều tới chất lượng điều hành chính sách của các địa phương. Doanh nghiệp e dè bắt tay nhau, một phần do thiếu sự hỗ trợ, khuyến khích từ các cấp chính quyền và từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Không chỉ nhận thức chưa đầy đủ về hiệu quả và lợi ích của việc liên kết, sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với vấn đề này có xu hướng ngày càng giảm. Nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng được ghi nhận rằng, nhu cầu liên kết giữa các chủ thể còn thấp là do mối quan hệ này còn thiếu sự can thiệp mang tính pháp lý, thiếu những chế tài ràng buộc và cũng như thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo các bên có liên quan phải tôn trọng và tuân thủ cam kết.

Để tăng cường liên kết, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, chính quyền các địa phương cần thực sự tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh. Sự minh bạch chính là nền tảng để gây dựng lại niềm tin của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp không còn lo sợ về “sự đi đêm”, về bóng dáng của những “sân sau”, ám chỉ những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh; những bất công trong ứng xử của quản lý Nhà nước với doanh nghiệp… thì chẳng có lý gì doanh nghiệp không sẵn sàng liên kết.

Vấn đề nhận thức cũng không kém phần quan trọng. Các ban, ngành chức năng, các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp về lợi ích của việc liên kết. Ví như, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, giúp duy trì sự ổn định của thị trường, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cạnh tranh… Khi thấy có lợi, doanh nghiệp sẽ tự khắc quan tâm.

Thạch Huê

Báo Hải Phòng