Thông tư 20/2011 chính là điều kiện kinh doanh
Mặc dù, Bộ Công thương vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT và cho rằng, Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI tiếp tục khẳng định, Thông tư này chính là điều kiện kinh doanh.
Luật Đầu tư đã giải thích rõ về điều kiện kinh doanh
Thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp và bộ ngành như Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp, VCCI, Tổng cục Hải quan đều cho rằng cần bãi bỏ Thông tư này, với lý do Thông tư tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.
Tổng hợp kiến nghị của VCCI cho thấy, quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các doanh nghiệp khác thì không được.
Tuy nhiên báo cáo của Bộ Công thương lại cho rằng, Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh, bởi đây là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu. Thông tư 20 không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ô tô tại doanh nghiệp đó. Quy định về Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc doanh nghiệp có được Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này.
Không đồng tình với quan điểm của Bộ Công thương, ông Đậu Anh Tuấn lý giải, Thông tư 20 là một loại điều kiện đầu tư, kinh doanh chứ không chỉ là thủ tục hành chính vì chủ thể bị áp đặt điều kiện là doanh nghiệp, là thương nhân chứ không phải là hàng hoá. Chỉ có một số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện (có giấy uỷ quyền chính hãng) thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô còn chủ thế khác thì không. Điều kiện có giấy uỷ quyền chính hãng này tác động trực tiếp tới thương quyền, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, khác với thủ tục về an toàn vệ sinh thực phẩm hay thủ tục về xác nhận xuất xứ.
Bản chất có hay không giấy chứng nhận uỷ quyền chính hãng sẽ quyết định hành vi đầu tư hay kinh doanh nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống của doanh nghiệp. Khác với các điều kiện đầu tư kinh doanh khác, có chăng ở đây việc chứng minh quyền kinh doanh với doanh nghiệp được Nhà nước trao cho hãng sản xuất ô tô. Ông Tuấn lưu ý rằng, có nhiều loại điều kiện đầu tư, kinh doanh khác nhau, loại doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi cấp phép hoặc loại phải đáp ứng sau khi đã đi vào hoạt động. Giấy uỷ quyền chính hãng này là loại doanh nghiệp phải đáp ứng sau.
Thực tế, khái niệm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư đã ghi: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện…”. Danh mục ngành nghề này được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư và chỉ cấp Nghị định của Chính phủ trở lên trở lên mới được phép ban hành. Kinh doanh ô tô hay nhập khẩu ô tô không nằm trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải hết hiệu lực từ 1/7/2016.
Không đánh đồng hai vấn đề
Tại báo báo trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20.
Theo đó, thông tư mới sẽ áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Quy định của thông tư mới bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Vấn đề bảo đảm an toàn phương tiện giao thông nói chung, ô tô nói riêng, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đồng tình phải có quy định chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Tuấn – Chủ doanh nghiệp Thiên Quốc An, Thông tư 20 không phải hướng đến mục tiêu này. Tính đến nay, chưa có thống kê nào về việc xe nhập khẩu không chính hãng nên gây tai nạn nhiều. Bên cạnh đó, tiêu chẩn chất lượng xe ô tô của Việt Nam đã có Cục Đăng kiểm thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Việc Bộ Công thương “đẩy quả bóng” sang Bộ GTVT và cho rằng phải hướng đến đảm bảo an toàn phương tiên giao thông được nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa thỏa đáng và đang lái vấn đề sang một hướng khác. Ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ băn khoăn không biết Bộ Công thương kiến nghị Bộ GTVT ban hành một thông tư tương tự như Thông tư 20 phải được hiểu như thế nào? Về tiêu chuẩn bảo hành thì hiện nay Việt Nam đã có tương đối đủ chính sách, quy định để bảo vệ người tiêu dùng kể cả quy định về triệu hồi xe.
Ông Tuấn kiến nghị, các chính sách cần tăng cường vai trò và hiệu quả của hệ thống đăng kiểm nhà nước hiện có lên chứ không phải dùng hệ thống bảo hành của hãng để thay thế việc kiểm soát này được. Cùng với đó là vấn đề đánh giá thực tế hiệu quả và chất lượng của hệ thống bảo hành chính hãng hiện nay. Rất nhiều người sử dụng cho biết là chỉ sử dụng bảo hành chính hãng trong thời gian bảo hành miễn phí chứ người sử dụng ô tô vẫn có xu hướng ra trạm bảo hành bên ngoài của tư nhân vì chất lượng dịch vụ tốt và chi phí thấp hơn nhiều lần.
Nhìn từ Thông tư 20 thì vấn đề chính là cần phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Bảo vệ người tiêu dùng quan trọng nhất là đảm bảo cạnh tranh. Việt Nam nên khuyến khích nhập khẩu song song đối với mặt hàng ô tô để giảm độc quyền của các hãng lớn và giảm giá thành. Giá ô tô quá cao làm thiệt hại đến người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp vận tải và cả nền kinh tế. Pháp luật của một quốc gia không thể thể chế hoá chính sách thị trường hay sự độc quyền của các hãng lớn.
Bá Tú