The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thủ tướng: Tuyệt đối dưới thảm không được có đinh!

Với bất kỳ môi trường đầu tư nào, tuyệt đối cấm tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” - đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Gia Lai ngày 18.12. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã quay lưng, dù Gia Lai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Với 1,4 triệu dân nhưng Gia Lai chỉ có 3.500 DN - một con số thấp.

Vì sao vắng bóng đầu tư?

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Điểu Kré khẳng định rằng: Gia Lai là tỉnh có nhiều lợi thế cho phát triển, tuy vậy, tỉnh này vẫn chưa được đầu tư và khai thác tốt, kinh tế phát triển chưa tương xứng. “Gia Lai chưa có dự án đầu tư FDI nào lớn, chưa xây dựng được các sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh cao. Số lượng DN còn ít và quá nhỏ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển” - ông Điểu Kré phân tích.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Đào Quang Thu, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất, dân số thứ hai Tây Nguyên, tuy vậy, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI chỉ là 47/63 (năm 2015). Đứng vị trí 61/63 tỉnh, thành trong việc thu hút FDI khi chỉ có 5 dự án quy mô nhỏ và 12 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký trong các dự án nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Chưa thu hút được các DN lớn đến đầu tư kinh doanh. “Nhìn chung số lượng DN mỏng, quy mô nhỏ, yếu về công nghệ. Trình độ phát triển của Gia Lai chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của cả nước” - Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.

Gia Lai có Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hằng ngày đi TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, cùng các tuyến QL 14, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nhiều địa phương trong nước và quốc tế... nhưng thu hút đầu tư tại Gia Lai vẫn vắng bóng nhà đầu tư.

Tránh thảm đỏ... có đinh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại các nước phát triển cứ 3-4 người có 1 DN, các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng... 100 người có 1 DN, nhưng Gia Lai 1,4 triệu dân mà chỉ 3.500 DN là quá thấp. “Vậy, chính quyền Gia Lai làm cái gì để thúc đẩy phát triển, tại sao một tỉnh có nhiều tiềm năng lại nghèo” - Thủ tướng đặt câu hỏi. Rồi Thủ tướng gợi mở, giao nhiệm vụ cho Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành. Thứ nhất, Gia Lai cần quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng thế mạnh đặc thù, lợi thế và liên kết vùng. Thứ hai, phải coi nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, thương hiệu mạnh, công nghệ cao là thế mạnh. Thứ ba, phải đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Thứ tư, giữ gìn văn hóa dân tộc. Thứ năm, đi đôi với phát triển kinh tế phải đảm bảo môi trường sống cho người dân.

“Để được như vậy, chính quyền phải phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, có tư duy đổi mới, sáng tạo. Chính quyền phải chủ động đồng hành cùng DN, tháo gỡ cho DN và cấp tỉnh, huyện, xã tất cả phải trải thảm. Cần chấm dứt tình trạng trên thì rải thảm, dưới thì rải đinh đối với các nhà đầu tư” - Thủ tướng nhấn mạnh. “Chính quyền còn phải cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ thất bại, thành công với DN. Và, chính quyền còn phải biết động viên, tôn vinh người làm tốt, DN dám nghĩ dám làm kiểu “đến Gia Lai đầu tư là tuyệt vời”” - Thủ tướng góp ý. Từ đó, Thủ tướng “giao khoán” cho Gia Lai đến năm 2020 phải tăng lên 7.000 DN (3.500DN/2015).

Để tháo nút thắt cho Gia Lai, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu cam kết sẽ cùng Bộ GTVT tìm các nguồn vốn đầu tư, mở rộng QL19, đường nối Pleiku cùng các tuyến đường giao thông khác để tạo thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa cũng như giảm chi phí đầu tư cho các DN đến đầu tư, làm ăn tại Gia Lai. Đứng trước 400 đại diện DN tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang gọi mời: “Chúng tôi sẽ tìm mọi giải pháp tốt nhất cho nhà đầu tư phát triển. Tôi tha thiết kêu gọi các nhà đầu tư, các DN trong và ngoài tỉnh hãy đến làm ăn với Gia Lai để giúp đỡ Gia Lai phát triển”.

Đình Văn

Báo Lao động