The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thừa Thiên Huế: Chỉ số “tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” của tỉnh bị giảm mạnh

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vào chiều 14/7, câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mang lại nhiều trăn trở khi 1 chỉ số là “tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” của tỉnh này bị giảm mạnh, đứng gần “chót” cả nước thứ 60/63.

Năm 2016 được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là “Năm doanh nghiệp”. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã tăng 6 bậc (so với năm 2015), đứng thứ 23/63 tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ số thành phần tăng vị thứ xếp hạng thì có 3/10 chỉ số giảm vị thứ. Đó là chỉ số “Gia nhập thị trường”, chỉ số “Tính minh bạch” và riêng chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” giảm mạnh, giảm 14 bậc và xếp thứ 60/63 tỉnh, thành.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đặt câu hỏi liệu “cảm nhận” của cộng đồng doanh nghiệp như thế có phản ánh đúng thực trạng về môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương không?

Trả lời vấn đề này, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Qua theo dõi chỉ số PCI các năm, tuy có một số chỉ số thành phần chưa sát với thực tế, song, xét một cách tổng thể “cảm nhận” được đưa ra là khá phù hợp. Trong mọi trường hợp, khi doanh nghiệp “cảm nhận” không tốt về môi trường đầu tư và kinh doanh, kể cả khi điều đó chưa sát với thực tế, chính quyền cũng cần phải nhìn nhận một cách cầu thị để có giải pháp tiếp thu, xử lý để “cảm nhận” đó trở nên tốt hơn".

Ông Phan Thiên Định cho rằng: Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp thời gian qua còn yếu. Công tác quảng bá, truyền thông, tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Tuy các trang thông tin điện tử luôn được hoàn thiện, thông tin phong phú, thủ tục hành chính công khai đầy đủ, điều chỉnh kịp thời nhưng do chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên doanh nghiệp tiếp cận còn hạn chế. Qua đó cần bổ sung thêm các hình thức tương tác với doanh nghiệp, không chỉ qua các buổi cà phê doanh nhân thường kỳ hàng tháng, đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp đình kỳ 2 tháng, trao đổi thường xuyên qua các trang thông tin điện tử mà còn phải tương tác qua mạng xã hội, quảng bá qua các kênh thông tin đại chúng và bổ sung tính năng tương tác trong tài khoản thẻ doanh nghiệp điện tử.

Theo ông Định: Hiện thủ tục hành chính, công tác giám sát thực hiện các quy trình, thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số Sở, địa phương vẫn còn bất cập. Cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quản lý, giám sát liên thông nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai, hoàn thành thủ tục để kinh doanh của doanh nghiệp.

"Việc rà soát, dự báo, tham mưu đề xuất hướng giải quyết các điểm vướng mắc, chưa rõ trong chính sách của Trung ương của các Sở ban ngành tại tỉnh Thừa Thiên còn yếu, bị động; khi có vướng mắc xảy ra mới bắt đầu nghiên cứu, đề xuất, do đó dẫn đến tình trạng “trì hoãn giải quyết và xin ý kiến chỉ đạo”, ông Định nói.

Mặt khác, khi có vướng mắc xảy ra, việc tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kết nối với các Bộ, ngành Trung ương để hướng dẫn chính sách của các ngành vẫn còn chậm, thiếu quyết liệt gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, ông Định cho rằng, các Sở ngành cần chủ động phát huy vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nắm bắt và xử lý các vấn đề chính sách, tích cực trong việc xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ bổ sung tiện ích hướng dẫn liên thông hoàn thiện thủ tục kinh doanh vào thẻ doanh nghiệp và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục và giám sát tiến trình thực hiện các thủ tục đó của cơ quan nhà nước.

Trước câu hỏi của đại biểu “Các giải pháp lớn nhằm cải thiện chỉ số PCI trong “Năm Doanh nghiệp 2017” và những năm tiếp theo?” Theo tỉnh Thừa Thiên Huế là sẽ coi trọng lực lượng doanh nghiệp địa phương, xem đây là một phần quan trọng của môi trường kinh doanh. Tỉnh sẽ chú trọng tăng cường năng lực của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp; Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong tỉnh xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác để cùng hợp tác đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ công khai, minh bạch cơ hội đầu tư, kinh doanh như công khai đầy đủ, chi tiết danh mục dự án kêu gọi đầu tư; thực hiện chủ trương hỗ trợ tối đa nhà đầu tư đến nghiên cứu dự án, tiến hành các thủ tục để đầu tư dự án; Đẩy nhanh đầu tư các hạ tầng giao thông thiết yếu nối TP Huế với sân bay, biển và cảng biển; đầu tư nâng cấp nhà ga Sân bay quốc tế Phú Bài, đầu tư mới các bến cảng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp… để tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai.

Đại Dương

Báo Dân trí