The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thừa Thiên Huế đang dần tạo lập hình ảnh một chính quyền thân thiện

Tại Hội thảo đào tạo, tập huấn công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh do UBND tỉnh tổ chức sáng 15/6, nhiều chuyên gia nhận định, chính quyền tỉnh đang dần tạo lập hình ảnh một chính quyền thân thiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại hội thảo

Chuyển động đáng ghi nhận
Thời gian gần đây, cuộc đua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên khốc liệt, hầu hết các tỉnh/thành phố đều rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức,...
Mới đây nhất, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa vào chỉ số xanh cấp tỉnh góp phần thúc đẩy các tỉnh/thành quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành quả nhất định. 2 năm trở lại, tỉnh được xếp vào danh sách những tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng đầu cả nước (năm 2021 vị thứ 8 và năm 2022 vươn lên thứ 6).
Hiện, công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Thừa Thiên Huế còn là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Những dữ liệu trên minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương, chỉ số PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Những chỉ số thành phần PCI đã góp phần chỉ ra những lĩnh vực cải cách nào là cần thiết tại địa phương.
“Mỗi một đánh giá chưa tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa. Chính vì vậy, để sâu sát hơn đến từng cấp, từng ngành, nhiều năm liền tỉnh tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào, để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn”, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có đánh giá, phân tích các chỉ số thành phần của PCI. Ngoài ra, vị trí xếp hạng ở các chỉ số cũng rất khả quan, điển hình như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI xếp vị thứ 5 cả nước; ứng dụng CNTT (ICT-index) và chỉ số chuyển đổi số (DTI) giữ ngôi vị thứ 2; chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) xếp vị thứ 4.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Cần nhiều hơn giải pháp để chăm sóc nhà đầu tư
Đánh giá những chuyển động thời gian gần đây của tỉnh, ông Trương Đức Trọng, chuyên gia Dự án chỉ số PCI, Ban pháp chế , VCCI chỉ ra thực tiễn tốt tại tỉnh, đó là có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, đặc biệt là mô hình “4 không – 1 có”. Chính quyền tỉnh cũng đã năng động trong hoạt động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh.
“Một số lĩnh vực hành chính tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn, như thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, phòng chống cháy nổ, trong đó, chú trọng thời gian giải quyết các thủ tục, giảm tải gánh nặng thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, duy trì các biện pháp giảm thiểu chi phí không chính thức”, ông Trọng góp ý.
Liên quan đến chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), ông Trọng cho rằng, tại Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp đã cảm nhận được môi trường tổng thể của tỉnh khá tốt, tình hình ô nhiễm môi trường được kiểm soát tốt…, song tỉnh cũng nên tiếp tục ưu tiên các hoạt động mua sắm công xanh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định, với thứ hạng đã đạt được, Thừa Thiên Huế đang dần tạo lập hình ảnh một chính quyền thân thiện.
Trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn cầu, ông Tuấn cho rằng, những giải pháp hỗ trợ danh nghiệp không chỉ gói gọn trong công tác quản trị, đào tạo mà còn phải tạo lập mặt bằng kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; tìm kiếm các thị trường mới; khai thác, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia…
Trước những khó khăn thực tại, đặc biệt là nhiều vụ việc không có quy trình giải quyết, hoặc chưa rõ ràng khi doanh nghiệp gặp phiền hà, ông Tuấn đã nêu ra một số giải pháp cụ thể, đó là cần nhiều hơn các cuộc gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, đặc biệt là các hình thức phi chính thức.
“Tại một số địa phương có nhiều mô hình hay đã tạo ra giải pháp, ví dự như, Chăm sóc nhà đầu tư, Bác sĩ doanh nghiệp… Các mô hình này hướng đến việc rút ngắn được thời gian hoàn thành các thủ tục cho doanh nghiệp; tạo ra giải pháp phi hành chính từ các nhà chuyên môn giúp doanh nghiệp tìm được lối thoát trong thời điểm khó khăn. Ngoài ra, chính sách tốt cần phải có chất lượng thực thi tốt; tạo ra văn hóa hành chính chính lành mạnh; sự cầu thị của lãnh đạo các cấp chính quyền sẽ góp phần tạo ảnh hướng lớn trong thu hút đầu tư”, ông Tuấn nhấn mạnh.