Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc vào “Nhóm tốt”, phấn đấu nằm trong top dẫn đầu các tỉnh thành trong cả nước.

Ông Lê Hữu Minh, Q.Giám đốc Sở Du lịch: Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch vẫn còn thấp

Thời gian qua, công tác kêu gọi đầu tư du lịch tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu về du lịch trong nước đã đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh như VinGroup, SunGoup, FLC, BRG, ECOPARK,...

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch còn thấp do chưa có chiến lược đầu tư đồng bộ và hiệu quả. Hình ảnh đặc trưng, nổi trội cho sản phẩm của du lịch Thừa Thiên Huế chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả, một số sản phẩm du lịch truyền thống thiếu sức cạnh tranh do chưa nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý chất lượng dịch vụ và quản lý kinh doanh còn bất cập, làm giảm sức thu hút du lịch, đầu tư so với một số địa phương trong vùng và cả nước.

Bên cạnh đó, công tác thu hút và triển khai đầu tư vẫn còn bất cập. Các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn mỏng, quy mô còn nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, dẫn đến năng lực thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới... còn hạn chế.

Ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Nỗ lực cải thiện chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”

Tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh sẽ ưu tiên tập trung hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như: công nghiệp hỗ trợ dệt may, công nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm, công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế...

Theo đó, ngành Công thương sẽ triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa và công khai quy trình thủ tục hành chính, triển khai thực hiện thủ tục hành chính theo hướng một cửa, một cửa liên thông theo phương châm “Thân thiện, đúng hẹn, đơn giản”.

Cùng với đó, Sở đã xây dựng Kế hoạch số 1334/KH-SCT ngày 23/7/2019 về cải thiện chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” nhằm nâng cao Chỉ số PCI, trong đó, tập trung tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT: Khuyến khích các dự án áp dụng công nghệ cao

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với mục đích giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp của tỉnh đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngày 29/7/2019, UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.

Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, được xác nhận với 15 sản phẩm (Gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gà, chuối và rau ăn lá các loại,...). Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, ngành nghề nông thôn được thực hiện thông qua các kỳ lễ hội, hội chợ...

Tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng danh mục các dự án với nội dung, quy mô, mục tiêu cụ thể, cùng với các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhất nhằm xúc tiến, kêu gọi đầu tư và khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Kêu gọi đầu tư hệ thống trường liên cấp chuyên nghiệp

Tỉnh Thừa Huế đang nắm giữ nhiều ưu thế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó Huế là cái nôi của các ngành Sư phạm, Y dược, Nông lâm, Âm nhạc… có bề dày truyền thống trên đất Cố đô mà người ta vẫn gọi và “Khu vực học thuật”.

Tại Huế, môi trường giáo dục rất tốt, thầy cô tâm huyết, học sinh ngoan, bởi đây cũng là cái nôi của phật giáo, tôn giáo đã có đóng góp lớn cho việc giáo dục đạo đức từ gia đình đến nhà trường … Theo đó, công tác giáo dục văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là một điểm sáng của giáo dục Thừa Thiên Huế với nhiều giải pháp đột phá. Tuy vậy, vấn đề xã hội hóa giáo dục còn yếu, còn thiếu các nhà đầu tư lớn và tâm huyết với lĩnh vực này.

Hiện lãnh đạo tỉnh và ngành rất quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư vào giáo dục để có những hệ thống trường liên cấp chuyên nghiệp, xứng tầm quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển. Các vấn đề về chính sách, thủ tục hành chính sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm phiền hà. Tại Huế, từ lãnh đạo đầu ngành đến giáo viên luôn giữ lửa người thầy rất tốt sẽ là điều kiện tốt để thu hút không chỉ học sinh trên địa bàn mà còn cả khu vực, quốc tế.

TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Công tác phát triển doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn

Trong những năm qua, UBND tỉnh và các ngành đã có những biện pháp khá quyết liệt để tạo lập một môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy vậy, công tác phát triển doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn những khó khăn. Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế có số lượng còn ít, 99% quy mô nhỏ và vừa, năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh vẫn còn thấp so với khu vực và trong nước. Bên cạnh đó, những nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khu vực hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh chưa cao.

Việc tỉnh triển khai đánh giá DDCI bằng phương pháp khảo sát độc lập là một nỗ lực rất lớn của tỉnh, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các chỉ số thành phần của tỉnh trong PCI được cải thiện nhiều.

Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc tiếp cận thông tin quy hoạch

Cải cách thủ tục hành chính của Sở đã đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hoạt động có hiệu quả. Trong đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngành đã có chuyển biến rõ nét, theo chiều hướng tích cực, mang lại kết quả đáng khích lệ.

Nhằm tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, Sở đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan triển khai công tác công bố công khai các đồ án quy hoạch, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc tiếp cận thông tin quy hoạch của các nhà đầu tư. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quy hoạch, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các bộ tiêu chí kêu gọi đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư.

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc NHNN Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Năm 2019, ngành ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV của tỉnh tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI 2019 và những năm tiếp theo, NHNN Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục duy trì Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, áp dụng cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), phấn đấu giải quyết 100% TTHC trước thời hạn quy định.

Thời gian tới, NHNN Thừa Thiên Huế sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn để tuyên truyền các văn bản liên quan hoạt động tiền tệ, ngân hàng đến các doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa các quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong giao dịch với ngân hàng; đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền việc tiếp cận tín dụng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Giám đốc Ngân hàng MB Chi nhánh Thừa Thiên Huế: Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Thị trường tín dụng tại Thừa Thiên Huế những năm trước còn gặp khó khăn. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã tốt hơn nhiều. Chi nhánh Ngân hàng MB Thừa Thiên Huế hiện có mặt trên địa bàn năm thứ 12 liên tiếp và gắn với sự phát triển của tỉnh. MB Thừa Thiên Huế luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và đặc biệt quản trị được chất lượng tín dụng tốt. Trong 10 tháng đầu năm 2019, MB Thừa Thiên Huế tăng trưởng được khoảng 200 tỷ đồng dư nợ, duy trì được top 3 trong khối các ngân hàng thương mai trên địa bàn.

Với môi trường đầu tư tốt như hiện nay, sự vào cuộc và đồng hành của lãnh đạo tỉnh sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư. Chi nhánh MB Thừa Thiên Huế luôn xác định đồng hành và hỗ trợ cùng các doanh nghiệp phát triển, ưu tiên chủ trương và thế mạnh phát triển trên địa bàn Huế như dược phẩm, y tế, khách sạn lưu trú, doanh nghiệp thương mại xây dựng và phát triển hạ tầng.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Đức: Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương phát triển. Rất nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức cho doanh nghiệp như: Chương trình Chủ tịch tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp, các hội thảo về chính sách cũng như đào tạo cho doanh nghiệp… Qua đây, chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền cùng các Sở, Ban ngành, đã tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, nguồn nhân lực, mở rộng thị trường...

Để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, tỉnh cần thông qua các Hiệp Hội, Hội doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Mặt khác, Chủ tịch tỉnh nên tổ chức đối thoại mỗi quý 1 lần hoặc thông qua kênh “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp” để lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Cơ Huế Việt: Khởi nghiệp thuận lợi nhờ sự đồng hành của tỉnh

Là doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng Huế Việt đã và đang khẳng định thương hiệu riêng nhờ sự chuyên nghiệp, sự hỗ trợ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Đại học Nông Lâm Huế và Đại học Cần Thơ. Do vậy, công ty đã có quy trình sản xuất hiện đại, nên sản phẩm của Công ty luôn tạo được uy tín về chất lượng trong lòng người tiêu dùng không chỉ tại Huế mà cả các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, Công ty còn nhận được sự quan tâm của tỉnh và sự hỗ trợ tối đa từ các sở, ban, ngành, đơn cử như: Chi cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Sản và Thủy Sản thuộc Sở Nông nghiệp, giúp Công ty có 7 sản phẩm tham gia xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hỗ trợ tem truy xuất chống hàng giả, hàng nhái. Công ty đang ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai gần.

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Giám đốc Cty TNHH TM&DV May Đoan Trang: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng kinh doanh

Huế đẹp và mộng mơ. Tiếc rằng, sau mỗi kỳ Festival, Huế lại trầm lắng. Do đó, chúng ta phải làm gì đó để Huế luôn đẹp và phong phú giá trị các văn hóa trong mắt du khách. Để đưa Huế đến với nhiều nước, điều trăn trở nhất hiện nay là trang phục cung đình Huế đang trôi nổi ngoài thị trường chưa được chú ý. Bởi vậy, bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là nhận thức, ý thức của người dân về tầm vóc và giá trị nhân văn của tà áo dài Huế.

Hiện, công ty chúng tôi cũng muốn liên kết đầu tư một trung tâm trưng bày sản phẩm, trở thành bảo tàng lưu giữ những giá trị của cung đình và áo dài Huế, góp sức để giới thiệu với giới trẻ, du khách về thời trang đặc sắc của một triều đại. Hy vọng rằng lãnh đạo tỉnh cùng các ngành quan tâm tạo điều kiện trong tiếp cận mặt bằng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư hơn nữa.

Ông Trần Ngọc Linh - Giám đốc dự án Công ty CP Đại Nam Thái Y Viện: Huế phát triển chậm cũng là một giá trị

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thay đổi hoàn toàn về môi trường sống, nhờ lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm phát triển đô thị xanh. Trên cơ sở đó, phát huy tiềm năng, lợi thế trên 3 thế mạnh y tế, giáo dục và văn hóa, Thừa Thiên Huế đang “mở cửa” chào đón các nhà đầu tư vào địa bàn.

Dù nhiều ý kiến cho rằng Huế phát triển chậm nhưng theo tôi, “chậm cũng là một giá trị”. Chính vì Huế phát triển chậm mới giữ được những giá trị riêng của Huế.

Các nhà đầu tư đến với Huế nếu hiểu và đủ kiên nhẫn thì sẽ thành công, bởi hiện nay lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành đang quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Còn về phía nhân dân, yếu tố cộng đồng của Huế rất mạnh, người dân rất yêu Huế. Đây là lợi thế để cùng nhau phát triển.