The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thừa Thiên Huế: Phấn đấu lọt top tỉnh, thành có các chỉ số tốt nhất cả nước

Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả chính quyền thông minh gắn với triển khai các dịch vụ đô thị thông minh.
Trung tâm Hành chính công thành phố Huế thời gian qua đã giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND thành phố Huế cần lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá tại Trung tâm Hành chính công thành phố Huế

Dẫn đầu cả nước trong xây dựng chính phủ điện tử
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, trong năm 2019 tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ số được đánh giá cao, như: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 của tỉnh được xếp thứ 05/63 tỉnh, thành, tăng 38 bậc, cao nhất từ trước đến nay; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 20, tăng 10 bậc; Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 13/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc.
Đáng chú ý, đối với chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/8 lĩnh vực tăng bậc, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện đại hóa nền hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai khá sớm các dịch vụ đô thị thông minh. Đến nay, IOC triển khai 10 dịch vụ đô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính nhà nước.
Vừa qua, tham dự trực tuyến Lễ khai trương trực tuyến Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã giới thiệu tới Thủ tướng Chính phủ và toàn Hội nghị dịch vụ tiêu biểu “Phản ánh hiện trường” của Thừa Thiên Huế. Đây là một kênh “Cảm biến xã hội” để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân. Với dịch vụ này, người dân có thể theo dõi kết quả xử lý và thể hiện mức độ hài lòng của mình với kết quả xử lý; qua thời gian đưa vào sử dụng dịch vụ này được người dân hưởng ứng, đồng tình sử dụng và tương tác rất cao.
Theo đó, Thủ tướng đánh giá cao Thừa Thiên Huế là địa phương ứng dụng CNTT vào xây dựng đô thị thông minh đạt được nhiều hiệu quả mà nổi bật là mô hình IOC đang được nhiều địa phương khác học tập, nhân rộng. Điều đó được thể hiện bằng việc tỉnh hiện đứng thứ 2 nhóm các tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2019, là địa phương dẫn đầu trong xây dựng chính phủ điện tử.
Phấn đấu lọt Top 10 về chỉ số PAR-Index và PCI
Được biết, trong 7 tháng đầu năm, Thừa Thiên Huế đã duy trì và tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương, như: Rà soát quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành chuyên môn cấp tỉnh; công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 145/KH-UBND về việc nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) tỉnh năm 2020 với mục tiêu chỉ số CCHC của tỉnh năm 2020 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết quả tốt nhất của cả nước; Kế hoạch số 182/KH-UBND về tiếp tục thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm kết nối hệ thống thông tin cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống thông tin VNPost qua trục quốc gia NGSP, phục vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích để mang lại hiệu quả cao hơn trong giải quyết thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí cho cho người dân và doanh nghiệp.
Thừa Thiên Huế luôn xác định CCHC gắn liền với việc ứng dụng CNTT và ISO trong hoạt động cơ quan nhà nước. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả chính quyền thông minh gắn với triển khai các dịch vụ đô thị thông minh.
Bên cạnh việc quyết liệt chỉ đạo rà soát, cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế đối thoại. Triển khai trên diện rộng việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để làm người dân, tổ chức hài lòng, sự niềm nở của công chức là rất tốt nhưng chưa đủ, mà quan trọng là công việc được giải quyết nhanh, thuận lợi, chất lượng, hiệu quả.
Tỉnh tiếp tục cho rà soát và giải quyết sớm các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho những dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết các thủ tục hành chính để tồn đọng kéo dài. Phấn đấu 01 tháng triển khai thực hiện 01 dự án có trị giá từ 100 tỷ trở lên”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa TTHC thông qua ứng dụng CNTT, tạo đột phá trong chuyển đổi số hướng tới môi trường "làm việc không giấy tờ; họp hành không gặp mặt; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt"; xây dựng hình ảnh "chính quyền thân thiện, phục vụ", hướng mục tiêu cải thiện các chỉ số PAR-Index và chỉ số PCI trong top 10 của cả nước và tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.