Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính thành phố Hải Phòng
06 Tháng 7, 2023
Sáng 5-7, UBND thành phố tổ chức hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính (CCHC) thành phố Hải Phòng với chủ đề “Chuyển đổi số - nâng tầm giá trị”. Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì hội nghị.
Đến dự có đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; các chuyên gia nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); lãnh đạo sở, ngành, đơn vị, địa phương thành phố.
Tại hội nghị, đại diện cơ quan tư vấn thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, thành phố (DDCI) báo cáo phân tích kết quả đánh giá chỉ số DDCI thành phố năm 2022; các chuyên gia phân tích các chỉ số PCI, PGI, PAR Index, SIPAS của thành phố năm 2022. Qua đó, chỉ rõ những điểm mạnh cần phát huy, những hạn chế thành phố cần phải khắc phục để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính.
Nhiều kết quả tích cực
Theo kết quả DDCI năm 2022, điểm số trung bình của khối sở, ban, ngành, địa phương đều cao hơn năm 2021; có nhiều sở, ngành, địa phương thuộc nhóm chất lượng điều hành kinh tế tốt hơn so với năm 2021. Nhiều chỉ số thành phần có chuyển biến tích cực, trong đó: chất lượng điều hành, quản lý của các cơ quan tiếp tục có cải thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử; gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính ghi nhận sự tiến bộ… Còn kết quả PCI năm 2022 tuy giảm 1 bậc so với năm 2021, song điểm số của thành phố tăng. Chất lượng điều hành kinh tế của thành phố dưới góc nhìn doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, cải cách hành chính cho thấy hiệu ứng tích cực qua thời gian; các doanh nghiệp đánh giá cao thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính. Đối với kết quả PGI 2022, Hải Phòng được đánh giá cao ở chỉ số vai trò của chính quyền trong thúc đẩy thực hành xanh.
Trực tiếp phân tích kết quả các chỉ số PAR Index, SIPAS năm 2022 của thành phố, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng đánh giá Hải Phòng là địa phương duy nhất có 10/11 năm trong tốp 5 địa phương có kết quả CCHC tốt nhất cả nước. Kết quả PAR Index năm 2022, Hải Phòng có 7/8 chỉ số thành phần cao hơn giá trị trung bình của cả nước, trong đó có 3 chỉ số là điểm sáng của thành phố gồm: chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai; 2 chỉ số có sự tăng trưởng vượt bậc so với trung bình cả nước là cải cách tài chính công và tác động của CCHC đến người dân và phát triển kinh tế -xã hội. Riêng đối với chỉ số SIPAS năm 2022, Hải Phòng xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố, tuy giảm điểm song vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Tuy đạt kết quả song việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, CCHC của thành phố còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ pháp luật cần đẩy mạnh ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai; công khai cấp nhật thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương công vụ có nơi chưa nghiêm; hồ sơ trực tuyến toàn trình cải thiện tót nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; thanh toán trực tuyến chưa cao; công tác số hoá hồ sơ cần thực chất hơn; doanh nghiệp còn gặp trở ngại khi tiếp cận tín dụng; đối diện nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động; chất lượng tổng thể môi trường tại thành phố chưa được doanh nghiệp đánh giá cao...
Từ những phân tích trên, để nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, CCHC, các chuyên gia khuyến nghị thành phố tiếp tục thực hiện một số giải pháp. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo CCHC; trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rà soát, xác định điểm nghẽn lớn nhất tại địa phương cần ưu tiên giải quyết (đất đai, đầu tư công, du lịch, doanh nghiệp); thường xuyên đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng bộ máy công vụ với tinh thần ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân, năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, lưu ý rút ngắn khoảng cách thực thi ở cấp cơ sở; đẩy mạnh nỗ lực chuyển đổi số trong thành phố (chính quyền số - doanh nghiệp số - công dân số); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính... Riêng để cải thiện chỉ số PGI, cần gắn các vấn đề bảo vệ môi trường vào trung tâm các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường; khuyến khích sự tham gia tích cực của các bên liên quan; chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm…
Phát biểu kết luận hội nghị, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phân tích, khuyến nghị của chuyên gia, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhận định, tuy thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, CCHC, song chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề; kết quả các chỉ số và nội hàm chưa tương xứng, đồng nhất. Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến chuyên gia, tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục các chỉ số còn hạn chế để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng chí lưu ý các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định 80 của Chính phủ. Các sở, ngành, địa phương sớm tham gia góp ý vào kế hoạch thực hiện chỉ số PCI, PGI năm 2023-2024, CCHC để các sở liên quan hoàn thiện trình UBND thành phố phê duyệt, ban hành làm cơ sở thực hiện. Đối với chỉ số DDCI, đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan và cơ quan tư vấn tiếp tục hoàn thiện chỉ số, nghiên cứu, xem xét xây dựng phương pháp lấy mẫu, đánh giá… bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng thực chất.
Tại hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố giao nhiệm vụ Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch, rà soát, tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp, chuẩn bị tốt hội nghị đối thoại doanh nghiệp do đồng chí Bí thư Thành ủy chủ trì diễn ra trong tháng 8 tới.
Nhân dịp này, UBND thành phố biểu dương, khen thưởng 10 tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2022; trao kỷ niệm chương DDCI năm 2022 tặng 6 sở, ngành, địa phương đạt chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, quận Dương Kinh, quận Ngô Quyền và huyện Tiên Lãng. Các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường thông tin dự thảo kế hoạch nâng cao chỉ số PCI, PGI năm 2023-2024../.
Theo Báo Hải Phòng