The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, nhìn chung chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện, tạo thuận lợi, thân thiện cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

So với năm 2015, những chuyển biến tích cực, rõ nét nhất thể hiện ở các lĩnh vực như tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố; đào tạo lao động và đăng ký DN. Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi, môi trường pháp lý chưa an toàn và tính cạnh tranh bình đẳng vẫn được đánh giá là một số trở ngại đối với các DN trong nước.

PCI năm 2016 đã phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các DN trong nước khi có 65% số DN hoạt động có lãi, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN trong nước đã tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng). Các DN tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% số DN dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới, tương đương mức của năm 2015. Khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có dấu hiệu tích cực tương tự khi 11% số doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% số DN tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn 50% số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, đạt mức cao nhất kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký vẫn cần được đơn giản hóa, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các DN. Trong báo cáo PCI năm 2016 có đến 38% số DN được khảo sát cho rằng, vẫn còn sự cạnh tranh chưa bình đẳng; chính quyền địa phương thường “ưu đãi” DN nhà nước hơn, các DN nhà nước thường được ưu ái hơn trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, tín dụng và mua sắm công. Cũng theo báo cáo PCI năm 2016, 42% số DN cho rằng, các địa phương ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước do nguồn lực đầu tư lớn.

Dù thứ bậc xếp hạng PCI chỉ có ý nghĩa tương đối, nhưng đây có thể là tham khảo cần thiết khi điều hành kinh tế tại địa phương, bởi nó phản ánh chính xác những đánh giá của DN trong hoạt động của chính quyền địa phương. Nhờ đó không ít tỉnh, thành phố đã mạnh dạn đổi mới lề lối làm việc, kịp thời khơi thông, gỡ khó cho DN bằng những cơ chế, chính sách phù hợp. Điều quan trọng sau PCI không nằm ở thứ hạng cao thấp, mà nằm ở mức độ thân thiện, môi trường cạnh tranh bình đẳng, làm hài lòng cộng đồng DN của từng địa phương,... Cạnh tranh bình đẳng là một trong mười chỉ số cấu thành PCI, phản ánh đánh giá và yêu cầu của cộng đồng DN trong nước về môi trường kinh doanh bình đẳng. Nói cách khác, cải thiện PCI không phải hướng đến mục tiêu vị trí cao thấp trên bảng xếp hạng mà là để chính quyền mỗi địa phương lắng nghe, thay đổi và tạo điều kiện tốt nhất có thể cho DN vượt khó, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

MINH DŨNG

Báo Nhân dân