Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững. Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của từng ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.
Tây Ninh có thế mạnh phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Tâm Giang)
Quan điểm “Tây Ninh xanh” trong quy hoạch
Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là xu hướng chung toàn cầu và xu hướng này ngày càng được quan tâm hơn, nhất là sau Hội nghị COP26 khi Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam xác định mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hoá quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Đối với tỉnh Tây Ninh, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nêu định hướng phát triển chiến lược của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, đó là “khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững”. Yếu tố phát triển bền vững được nghị quyết Đại hội cụ thể hoá với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển các ngành, lĩnh vực và chỉ tiêu về môi trường.
Đặc biệt, trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh tổ chức công bố trong tháng 5.2024, khái niệm “Tây Ninh xanh” được nhắc đến nhiều lần. Đây là khái niệm khá mới mẻ nhưng hết sức rõ ràng của Chính phủ đặt ra cho Tây Ninh, bởi xu hướng phát triển “kinh tế xanh” đang là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đều cố gắng hướng tới.
Với lợi thế bảo tồn được hệ sinh thái môi trường từ việc nắm giữ diện tích rừng tự nhiên đứng thứ 3 vùng Đông Nam bộ, có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và sở hữu nguồn nước sạch dồi dào, Tây Ninh phù hợp phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, sản phẩm hướng đến hình ảnh “Tây Ninh xanh”, điều này cũng phù hợp với vấn đề môi trường, kinh tế xanh đang trở thành xu hướng và rất được quan tâm bởi chính phủ và người dân trên thế giới và trong nước. Do đó, “Tây Ninh Xanh” được xác định là một trong 7 chương trình đột phá để thực hiện các định hướng, mục tiêu phát triển Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân, “Tây Ninh xanh” là một mục tiêu tổng quát được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và không chỉ trong ngành Nông nghiệp. “Xanh” là thân thiện và bảo vệ môi trường, cho nên phải “xanh” cả trong sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, kết cấu hạ tầng...
Riêng đối với ngành nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân cho biết “xanh” đồng nghĩa với việc thực hành sản xuất nông nghiệp giảm phát thải vào môi trường trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản và góp phần làm trong sạch môi trường thông qua việc tăng diện tích cây xanh, tăng chất lượng rừng...
Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ để giảm phát thải metan trên cây lúa. Đối với những loại cây trồng khác, đưa vào những quy trình sản xuất để giảm phát thải, giảm tiêu thụ những loại nhiên liệu hoá thạch, phân bón thuốc, trừ sâu, đồng thời tăng khả năng hấp thụ CO2 của cây trồng; tăng việc tích luỹ CO2 trong đất.
Nông dân thu hoạch sầu riêng (Ảnh: Tâm Giang)
Cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững.
Chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index - PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng với sự hỗ trợ của USAID và một số đối tác tư nhân nhằm chuyển tải mức độ quan trọng của bảo vệ môi trường trong quỹ đạo tăng trưởng Việt Nam. Chỉ số PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Theo xếp hạng PGI 2023, Tây Ninh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Đây là thứ hạng cao, thể hiện sự ghi nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đối với những nỗ lực của chính quyền tỉnh Tây Ninh trong công tác quản trị môi trường gắn với phát triển kinh tế. Chỉ số PGI 2023 của Tây Ninh có sự cải thiện rõ nét so với năm 2022 đối với cả 4 chỉ tiêu thành phần: “giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai”, “đảm bảo tuân thủ”, “thúc đẩy thực hành xanh”, “chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh đều nhất quán quan điểm “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”.
Sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Trong định hướng thu hút đầu tư cũng có sự chọn lọc, ưu tiên những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Bên cạnh đó, với quyết tâm tiếp tục cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh, các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền doanh nghiệp thúc đẩy “thực hành xanh” trong sản xuất kinh doanh từ những việc nhỏ như: “số hoá công việc giấy tờ để giảm sử dụng giấy”, “sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng”, “giảm tiêu thụ và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các hoạt động của doanh nghiệp”, “lắp đặt trạm quan trắc chất lượng không khí”, “sử dụng năng lượng tái tạo”, “giảm thiểu sử dụng nhựa trong quá trình sản xuất và đóng gói”...
Tuệ Lâm
5 nội dung thực hiện chương trình đột phá hướng tới phát triển bền vững “Tây Ninh xanh” trong giai đoạn 2021-2035:
Phát triển năng lượng tái tạo: Tây Ninh sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng sạch cho các ngành sản xuất dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển xanh bền vững. Đồng thời, năng lượng tái tạo là ngành sẽ thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Tây Ninh.
Giảm khí thải và tạo nguồn thu từ quỹ carbon: Tây Ninh hướng tới giảm khí thải và định hướng phát triển bền vững phù hợp với mục tiêu chung giảm thiểu khí thải vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị COP26. Định hướng này sẽ đồng thời giúp tỉnh thu hút thêm các nguồn hỗ trợ, nguồn thu từ hoạt động giảm khí thải. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, là cơ hội để Tây Ninh bán quỹ carbon cho các tỉnh lân cận, các đô thị lớn, hướng tới năm 2030 có thể xuất khẩu quỹ carbon.
Tây Ninh xanh để cải thiện vi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu: xây dựng các giải pháp giúp tỉnh Tây Ninh phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tây Ninh hiện là tỉnh nóng nhất Đông Nam bộ, cần có biện pháp cải thiện sự nóng lên như các giải pháp cải thiện vi khí hậu bằng cây xanh tán lớn, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo quỹ carbon và môi trường sống tốt.
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn: với kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn của Tây Ninh có thể tập trung vào các sản phẩm tiềm năng như chăn nuôi, khoai mì, mía để giảm giá thành và tạo thêm giá trị kinh tế cho chuỗi ngành hàng.
Nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, hướng tới nhóm khách hàng trung lưu, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương đồng thời thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
(Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)