The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thước đo phục vụ DN của Kiên Giang: Từ lời nói đến hành động

Năm 2016, mặc dù Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm 2 bậc so với năm 2015 nhưng trái với nhiều tỉnh thành khác, tổng điểm PCI của Kiên Giang tăng 0,5 điểm (60,31 điểm – 60,81) và nằm trong top Tốt (đứng thứ 13).

Sau khi Phòng TM&CN VN công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 (14/3/2017), tỉnh Kiên Giang đã có cuộc họp với các Sở ngành, huyện, thị, thành phố... để phân tích “bắt bệnh” những hạn chế còn tồn tại để từ đó có “thuốc” đặc trị khẳng định sự quyết liệt của chính quyền Kiên Giang trong việc đồng hành phục vụ DN.

p/Hội nghị đối thoại và họp mặt DN 2017.

Hội nghị đối thoại và họp mặt DN 2017.

“Soi” 10 tiêu chí xếp hạng PCI

Minh chứng là tại cuộc họp người đứng đầu Chính quyền tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng đã nhìn nhận 4/10 tiêu chí như: Chi phí không chính thức; Hỗ trợ DN; Đào tạo lao động và Cạnh tranh bình đẳng vì sao tăng điểm và tăng bao nhiêu điểm so với hai năm trước đó (2014; 2015).

Đồng thời, tỉnh cũng chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, liên quan đến ngành, lĩnh vực, đặc biệt là cán bộ thực thi... như thế nào?

Từ đó, người đứng đầu chính quyền so sánh với các tỉnh thành khác có chỉ số cao hơn Kiên Giang, đồng thời giao cho các cấp, các ngành có liên quan có giải pháp cụ thể “khơi thông” ách tắc nhằm cải thiện, bứt phá tăng điểm tốt hơn nữa trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Mặt khác, người đứng đầu Chính quyền còn phân tích “mổ xẻ” từng ngành, từng lĩnh vực để tìm ra những nguyên nhân, hạn chế chủ quan và khách quan những tiêu chí bị giảm điểm, khiến PCI của Kiên Giang tụt hạng.

Cụ thể, 5/10 tiêu chí là Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Tính năng động; Thiết chế pháp lý có liên quan đến những ngành nào ví dụ như chỉ số về Tiếp cận đất đai vì sao giảm điểm liên quan như thế nào đến cán bộ cấp dưới thực thi có gây phiền hà, nhũng nhiễu? Hay do trình độ năng lực... rồi Gia nhập thị trường liên quan đến sở, ngành nào? Chi phí thời gian thì cải cách thủ tục hành chính ra sao, việc xử lý tranh chấp DN... sự năng động của Chính quyền các cấp cũng như cán bộ bộ phận một cửa, một cửa liên thông thực thi việc phục vụ DN như thế nào?...

Lắng nghe và thấu hiểu để phục vụ DN

Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành phục vụ DN còn được khẳng định bằng sự đổi mới trong việc phân cấp phân quyền, phân tích đánh giá “soi” hạn chế đưa ra các giải pháp khắc phục, cải thiện, tạo lòng tin hơn nữa với DN. Người đứng đầu sở ngành, huyện, thị, ... phải chịu tránh nhiệm bị xử lý, kỷ luật nếu để DN phàn nàn về những vướng mắc, khó khăn, hay chính quyền gây phiền hà, nhũng nhiễu... tới người dân và DN.

Đặc biệt, ngoài việc tỉnh tổ chức gặp mặt DN 2lần/năm thì hàng quý Chính người đứng đầu Chính quyền sẽ gặp mặt DN theo từng lĩnh vực, ngành, vùng gặp vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ, hỗ trợ. Ngoài ra, người đứng đầu Chính quyền còn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN để từ đó có định hướng cơ chế hỗ trợ DN phát triển tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính quyền còn thành lập tổ công tác do Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng và lập đường dây nóng để giải quyết tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho DN phát sinh trong quá trình đầu tư, SX-KD.

Từ sự nỗ lực, quyết liệt của người đứng đầu Chính quyền Kiên Giang cùng các Sở ban ngành trong việc đồng hành, phục vụ DN và người dân đã tạo “luồng gió mới” được các DN ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, để “luồng gió mới” lan toả hơn nữa thì chính quyền cần kiến tạo phục vụ, DN cần hiến kế chứ không chỉ có “kêu”.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Kiên Giang: Thanh kiểm tra chỉ thực hiện thông qua việc phân tích rủi ro

Nhằm kiến tạo phục vụ DN, Cục định kỳ tổ chức tập huấn cho DN về nghiệp vụ thuế, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn của DN liên quan đến thuế trên truyền hình, đối thoại trực tiếp, phản ánh hộp thư góp ý... tổ chức đối thoại DN 2 lần/năm. Bên cạnh đó, Cục còn thường xuyên giáo dục nhắc nhở cán bộ công chức, lấy ý kiến của DN về thái độ phục vụ của cán bộ thuế... Để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và DN, tránh được những phiền hà khó khăn mất thời gian cho DN, Cục đẩy mạnh triển khai kê khai 100% thuế điện tử. Hiện nay toàn bộ việc thanh tra, kiểm tra DN chỉ thực hiện trong1/3 thời gian (10 ngày so qui định là 30 ngày). Việc thanh kiểm tra chỉ được thực hiện thông qua đánh giá phân tích rủi ro DN. Đặc biệt, việc thanh kiểm tra phải trình lãnh đạo Cục lý do thanh tra và được lãnh đạo Cục chấp thuận mới được thanh kiểm tra. Nếu rủi ro nêu ra không đúng trong kết quả thanh tra thì cán bộ thuế sẽ bị kiểm điểm xử lý. Minh chứng, thời gian qua ngành thuế Kiên Giang đã giảm bớt thời gian tránh gây phiền hà cho DN, hiện nay có tới 98% thủ tục thuế được kê khai điện tử, 2% còn lại do DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp vùng sâu vùng xa nên chưa kê khai điện tử. Ngoài ra, Cục tiến hành phân loại DN, DN thực hiện chính sách tốt không tốt để có biên pháp tốt nhất trong việc thực hiện việc quản lý kê khai thuế DN. Đồng thời, thông qua phối hợp ngân hàng để biết việc hoạt đông của DN nhằm tránh rủi ro thất thoát thuế nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Tâm - GĐ Sở NN&PTNT Kiên Giang: Phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản...

Sở đã trình tỉnh ban hành một số chính sách như, khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn... hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015- 2020... Theo đó, Sở tập trung phát triển 07 nhóm ngành nghề đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch, gồm: Chế biến bảo quản nông lâm thủy sản; Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, cơ khí nhỏ; Chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất hàng thủy công mỹ nghệ; Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất đời sống dân cư nông thôn; Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất - kinh doanh trong ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, Sở nghiên cứu phát triển nghề du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nông nghiệp du lịch cho những địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch như U Minh Thượng, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc, đưa tổng số cơ sở ngành nghề nông thôn đến năm 2020 là 5.548 cơ sở, thu hút 35.485 lao động. Ngoài ra, Sở tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thông tin thị trường cho 42 làng nghề... tham mưu tỉnh xây dựng Đề án chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017 – 2020 định hướng đến năm 2030. Mặt khác, để tăng giá trị sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết DN và người sản xuất nâng cao giá trị gia tăng và thị trường bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo hướng VietGAP, sản phẩm hữu cơ.

Ông Bùi Văn Bảy, Công ty TNHH Khách sạn Sài Gòn - Hà Tiên: Chưa có sản phẩm du lịch hút khách lưu trú

Từ khi Cty thành lập năm 2003, thủ tục hành chính, cấp phép đăng kí kinh doanh được các sở ban ngành của tỉnh, huyện hỗ trợ tạo thuận lợi cho DN hoạt động phát triển. Đặc biệt ngành thuế hỗ trợ tạo điều kiện giúp DN kê khai thuế điện tử... Cụ thể, hiện nay đường xá trên địa bàn tỉnh chưa được hoàn chỉnh từ Thành phố Rạch Giá về Hà Tiên, và từ Thị xã Hà Tiên tới các điểm du lịch, ảnh hưởng tới du lịch và giao thông trên địa bàn... Do đó, Cty mong muốn hệ thống đường xá đi lại được Nhà nước, tỉnh, ngành giao thông đầu tư để tạo thuận lợi cho DN, người dân trên địa bàn cũng như khách du lịch, qua đó “hút” khách du lịch đến với Hà Tiên nói riêng, Kiên Giang nói chung. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, hiện việc tuyển dụng nguồn nhân lực cho du lịch chất lượng cao DN phải tự tuyển dụng và đào tạo... Khách du lịch đến Hà Tiên đông nhưng các hoạt động dịch vụ, các sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn để giữ chân du khách nên khách quá cảnh đi Phú Quốc nhiều; khách Campuchia xuống tàu quá cảnh đi Phú Quốc luôn... Một vấn đề bất cập trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch là rất thiếu, công ty tuyển chọn nhân viên về phải đào tạo tập huấn lại. Do đó tỉnh, Sở lao động, Thương binh và Xã hội có chính sách đào tạo chung nguồn nhân lực cho thị xã Hà Tiên. Ngoài ra, về du lịch tôi thấy rằng lượng khách du lịch những năm gần đây tuy rất đông, nhưng lượng khách lưu trú ở lại ít do không có sản phẩm du lịch để giữ chân khách ở lại, hơn thế nữa hạ tầng không đạt chuẩn, các điểm du lịch chưa hút khách, chưa có nhà hàng vui chơi, chủ yếu khách du lịch quá cảnh đi Phú Quốc, Campuchia và các nước khác.

Ông Trần Thạch Vụ, Cty TNHH Hồng Hải Tâm: Rào cản gây khó doanh nghiệp

Cty thành lập năm 2014, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, chính sách hỗ trợ của tỉnh tốt, công ty hiện có một số ngành nghề xuất khẩu qua Campuchia, việc hoàn thuế tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây công ty và một số doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn do việc hoàn thuế chậm ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của công ty. Vì vậy, công ty đề nghị Cục thuế tỉnh kiểm tra xong thì hoàn thuế cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tái đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi được biết sau khi kiểm tra, hồ sơ được chuyển về Tổng Cục thuế để giám sát kiểm tra. Trong quá trình đó thời gian kéo dài và lâu không có hạn định, đây là rào cản gây khó doanh nghiệp và đị ngược Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh kiến nghị Tổng Cục thuế làm sớm nhất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tái đầu tư phát triển.

Ngoài ra, tỉnh cần đầu tư mở rộng cửa khẩu để việc giao thương giữa doanh nghiệp người dân hai nước Việt Nam - Campuchia giao thương, xúc tiến thương mại thuận lợi và nhiều hơn... Đặc thù, công ty chúng tôi chuyên xuất khẩu sang Campuchia hàng hoá thương mại từ Sài Gòn chuyển về, nên cần tuyển dụng nhiều lao động, tuy nhiên thực tế nguồn lao động công ty đang thiếu trầm trọng. Nguyên nhân do một số sinh viên được đào tạo đúng bài bản lại không muốn về địa phương làm việc, chỉ muốn sau khi học ở lại TP HCM làm việc. Còn lại một số sinh viên Cao đẳng, trung cấp thì về phục vụ địa phương vẫn còn đang yếu và thiếu. Vì vậy, tôi cho rằng, tỉnh cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp về mở rông phát triển Kiên Giang.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, GĐ Công ty du lịch Mũi Lai Hà Tiên: Năng lực cán bộ còn yếu

Điều kiện để thị xã Hà Tiên phát triển và tạo điểm nối Hà Tiên – Phú Quốc, Nhà nước tỉnh cần tập trung mở rộng đường Rạch Giá về Thị xã Hà Tiên. Tuy nhiên, hiện nay đã có quy hoạch đường hành lang ven biển do đó cần được triển khai hoàn thiện sớm để DN, người dân có điều kiện phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thị xã Hà Tiên. Còn về cơ chế chính sách thì chính quyền địa phương đang cải cách rồi, DN, nhà đầu tư cũng yên tâm do được tỉnh cũng như các cấp tạo điều kiện thuận lợi, điều này minh chứng từ các dự án đang được triển khai của công ty. Tuy nhiên, về thị xã Hà Tiên tỉnh cần có cơ chế để hút đầu tư vào các điểm du lịch, đăc biệt là điểm du lịch Thạch Động cần nhanh chóng đầu tư phát triển. Với Mũi Nai 17ha mà Tổng Cục du lịch quy hoạch ngày xưa không còn phù hợp cần phải điều chỉnh mở rộng quy hoạch để kêu gọi đầu tư phát triển khu du lịch này. Bãi tắm ở Mũi Nai đẹp nhưng cát không được đẹp lắm do thiên nhiên, do vậy chính quyền địa phương nên tập trung nguồn lực cải tạo lại thành bãi cát trắng. Nếu làm được chắc chắn đây sẽ là điểm dừng kết nối với Phú Quốc, giúp Hà Tiên phát triển du lịch mạnh hơn.

Về cải cách TTHC, tôi cho rằng, chính quyền địa phương rất tạo điều kiện, nhưng có một cơ chế cần phải nghiên cứu đó là khâu thẩm định thiết kế cơ sở. Tôi đề nghị nếu một DN khi quy hoạch thiết kế cơ sở đã bám vào quy hoạch chi tiết của khu vực dự án và quy hoạch chung của thị xã Hà Tiên thì cấp phép cho DN thực hiện chứ không cần phải qua thẩm định... gây khó khăn mất thời gian cơ hội của DN.

Ông Mai Thành Chính- GĐ Cty TNHH MTV Thành Chính: Nhận thức sự phục vụ ở cấp huyện

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải cách TTHC cũng như chính sách kêu gọi đầu tư, để phát triển kinh tế xã hội tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực du lịch tạo chuỗi liên kết, nâng cao trình độ nghiệp vụ gắn liền với đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên để tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội cho Kiên Giang hơn nữa tôi cho rằng, ngoài vai trò đứng đầu của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN bằng hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, giải quyết ngay chứ không lòng vòng, hệ thống cấp huyện cần nhận thức để thực hiện, khẳng định sự phục vụ DN đồng thuận từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã, đang và sẽ triển khai. Các cơ quan Nhà nước hỗ trợ giúp DN đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực du lịch trong đó dịch vụ giao tiếp văn hoá ứng xử, quản lý về mặt giá cả, đăng ký thương hiệu sản phẩm du lịch cho DN. Mặt khác, tỉnh cần mở rộng đầu tư điểm du lịch tâm linh ở tại các hòn đảo ngoài khơi để giữ chân du khách, tại đó du khách vừa tham qua cảnh đẹp vừa có tâm linh để gửi gắm. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện giúp DN tiếp cận trực tiếp DN trong và ngoài nước tiêu thụ hàng hoá, giảm thiểu trung gian gây tốn kém thêm chi phí DN. Đồng thời định hướng người nông dân phát triển bền vững, tránh chạy theo mùa vụ.. Tỉnh cần có chính sách đào tạo nâng cao trình độ cán bộ đáp ứng yêu cầu hiện nay. Còn với lao động tôi cho rằng, tỉnh cần đánh giá lại chất lượng đào tạo tại các trường hiện nay. Bởi tới đây trước sự phát triển của Kiên Giang các lao động đang dồn về các KCN, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh khác sẽ quay trở lại...

Ông Nguyễn Xuân Lộc – GĐ Sở TN&MT Kiên Giang: Tăng cường thanh kiểm tra các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức

Qua phân tích đánh giá, tôi cho rằng có 5 nguyên nhân dẫn đến những hạn chế tác động tiêu cực lên kết quả thực hiện tiêu chí về tiếp cận đất đai của tỉnh. Cụ thể, thứ nhất, sự thay đổi về pháp luật đất đai làm nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ quan quản lý lẫn DN và người dân. Thứ hai, sự thay đổi về bộ máy tổ chức của Sở nói chung và hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai nói riêng làm tốn nhiều thời gian để sắp xếp, bố trí nhân sự, làm hồ sơ đất đai tồn đọng. Thứ ba, nhiều nhiệm vụ mới phát sinh theo luật nhưng biên chế không tăng, từ đó, khối lượng công việc một người phải giải quyết nhiều hơn, chất lượng, hiệu quả có phần bị hạn chế. Thứ tư, ý chí quyết tâm của một bộ phận công chức, viên chức trong ngành đối với nhiệm vụ CCHC còn thấp nên nhiều nơi chất lượng phục vụ chưa cao. Thứ năm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh chưa được xây dựng xong, điều kiện, trang thiết bị làm việc còn hạn chế…

Để cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai (PCI), Sở tham mưu tỉnh ban hành bộ TTHC của ngành và công khai trên Cổng thông tin điện tử và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở. Tổ chức rà soát, kiến nghị bổ sung sửa đổi 18 thủ tục, trong đó về đất đai là 12 thủ tục, giảm trung bình 12% thời gian thực hiện. Sở tham mưu ban hành mới và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh, của TƯ trên cơ sở đảm bảo thuận lợi nhất cho DN tiếp cận đất đai, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát TTHC về đất đai để cải tiến hoặc bãi bỏ giúp DN thực hiện một cách đơn giảnTTHC nhất...

Ông Đặng Hồng Sơn, GĐ Sở LĐTB&XH tỉnh Kiên Giang: Đào tạo theo yêu cầu đơn đặt hàng DN

Hiện nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề tại các DN là rất lớn, đặc biệt là các DN FDI, các lĩnh vực giầy da, may mặc, lắp ráp điện tử, xây dựng, dịch vụ nhà hàng khách sạn … đa số lao động sau tốt nghiệp đều được các DN tuyển dụng, do đó số lao động tại Kiên Giang sau đào tạo hoặc lao động phổ thông (DN tự đào tạo) có xu hướng chuyển dịch đi làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh hàng năm chiếm tỷ trọng trên 50% số lao động được giải quyết việc làm. Tại Kiên Giang đã có công ty giầy da Thái Bình, nhà máy may mặc Vinatex Gò Quao, các khu resort, khu vui chơi giải trí, nhà hàng – khách sạn từ 3 – 5 sao, khu nuôi tôm công nghiệp, khu chế biến thủy hải sản … đã phát triển mạnh do đó nhu cầu lao động có tay nghề ở các lĩnh vực này đang chiếm tỷ trọng cao.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp điều tra, khảo sát và tiếp cận với các DN để tổ chức đào tạo theo yêu cầu và đơn đặt hàng của DN. Ngoài ra, Sở cũng đã chủ động rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường công lập và đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; tập trung phối hợp với các DN trong tỉnh về xây dựng chương trình đào tạo, đưa học sinh, sinh viên thực tập, tổ chức đào tạo phù hợp theo yêu cầu của DN… Đồng thời đào tạo lao động cung ứng cho các DN tại các KCCN, khu du lịch; đào tạo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo lao động thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ và lao động tại các xã theo tiêu chí xã nông thôn mới…