The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thước đo sức khỏe doanh nghiệp

Áp dụng quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện theo Nghị quyết 35-CP hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 sẽ tạo ra những thuận lợi về cơ chế, chính sách. Và đó cũng là thước đo sức khỏe của doanh nghiệp.

Chủ động cung cấp thông tin chính xác

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Việt Nam đã có những cải cách quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, trong đó kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng đến 6,68% năm 2015. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Theo các tổ chức quốc tế thì một trong những hạn chế lớn nhất là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn ở mức thấp (đến tháng 9.2015 Việt Nam xếp thứ 56 theo chỉ số GCR toàn cầu, thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á) so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Do đó, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Nghị quyết 35-CP tập trung tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, nghĩa vụ thuế xuất, nhập khẩu theo quy định pháp luật. Trước đây, để kiểm soát sự tuân thủ, hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với tất cả các hoạt động, các giao dịch thương mại. Tuy vậy, việc kiểm soát này không phù hợp trong bối cảnh tính chất phức tạp và khối lượng thương mại quốc tế gia tăng, cùng với những tiến bộ về công nghệ đã làm bùng nổ cuộc cách mạng trong thương mại toàn cầu. Điều này làm ảnh hưởng đến cách thức thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của hải quan. Hiện nay, hải quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại mà vẫn duy trì kiểm soát đối với hàng hóa, người và phương tiện vận tải di chuyển quốc tế.

Nguồn: baodauthau.vn

Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Hải Quan cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động và thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin chính xác về hồ sơ doanh nghiệp cho cơ quan hải quan. Trên cơ sở đó hải quan sẽ xem xét các tiêu chí để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Và đó cũng là thước đo sức khỏe của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tự nguyện hợp tác với cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan. Đối với các doanh nghiệp không tuân thủ sẽ gặp rủi ro cao, trước mắt sẽ bị nhiều đối tác từ chối như ngân hàng, bảo hiểm… Những doanh nghiệp né tránh phải có chế tài xử lý phù hợp.

Hưởng nhiều quyền lợi...

Theo Luật Hải quan quy định, Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro doanh nghiệp; trên cơ sở Bộ tiêu chí này, Tổng cục Hải quan xây dựng và ban hành bộ chỉ số để cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chuẩn, thông tin cho việc đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro doanh nghiệp. Thời gian qua, cơ quan hải quan thực hiện đánh giá phân loại 3 nhóm doanh nghiệp để phục vụ áp dụng chính sách quản lý hải quan, gồm: Doanh nghiệp ưu tiên; doanh nghiệp tuân thủ; doanh nghiệp không tuân thủ.

Hiện nay, nước ta có khoảng 60.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu. Để quản lý tuân thủ với các doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã tổ chức quản lý hệ thống thông tin, hoạt động cũng như quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Cụ thể, hàng năm, cơ quan hải quan phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị có trách nhiệm thu thập, cập nhật bổ sung các thông tin mới vào hồ sơ của doanh nghiệp. Việc thu thập thông tin này được thực hiện dựa trên nhu cầu thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro doanh nghiệp.

Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Hải quan cho rằng, các doanh nghiệp tuân thủ thực hiện theo đúng quy định pháp luật về Luật Thuế và Luật Hải quan và các luật liên quan sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như được cung cấp thông tin liên quan đến việc đánh giá tuân thủ pháp luật hướng dẫn; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật; giảm tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa; được chấp nhận chứng từ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ do thuế tổ chức tín dụng phát hành, hàng được bảo quản nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định…

Kết quả đánh giá tuân thủ doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ quan hải quan tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra với mức độ kiểm tra cao đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của doanh nghiệp không tuân thủ. Ngược lại, doanh nghiệp tuân thủ được áp dụng tỷ lệ kiểm tra rất thấp, bảo đảm thông quan nhanh chóng, thuận lợi.

Do đó, trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp những vướng mắc phát sinh để cơ quan hải quan xử lý kịp thời và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về nhận thức rủi ro. Ví dụ doanh nghiệp cần hạn chế về tờ khai, sửa tờ khai, hạn chế các vi phạm nhỏ sẽ ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp…

Đồng thời, về phía cơ quan hải quan cũng sẽ hướng đến sự nhanh chóng, minh bạch trong quản lý hải quan và thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với doanh nghiệp về tình trạng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Từ đó xác định những vấn đề mà doanh nghiệp cần điều chỉnh để duy trì trạng thái tuân thủ hoặc cải tiến để chuyển thành trạng thái tuân thủ, nhằm đạt được những ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuân thủ, ông Bùi Thái Quang nhấn mạnh.

Phan Phương