The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tiền Giang: Cải thiện thực chất PCI

Để tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, minh bạch, bền vững, hấp dẫn, Tiền Giang đang nỗ lực cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số PCI 2020 của Tiền Giang chỉ đạt được 62,8 điểm, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành thuộc nhóm trung bình. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, PCI năm 2020 của tỉnh Tiền Giang xếp thứ 9/13 tỉnh, thành, chỉ đứng trên 04 tỉnh là: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… Đây là vị trí khá khiêm tốn so với bức tranh chung của khu vực và cả nước. Điểm số này chưa đạt được sự kỳ vọng của chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực trong thời gian qua. Tuy nhiên nó cũng cho thấy, Tiền Giang đang có rất nhiều dư địa để cải cách.
Phát triển ý tưởng cải cách
Điểm số của các chỉ số PCI Tiền Giang còn thấp, có nhiều nguyên nhân: Do nhận thức của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập về các chỉ số nêu trên chưa tốt; tính tiên phong, năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan hành chính các cấp trong việc xây dựng một hệ thống công vụ phục vụ nhân dân, liêm chính, hành động quyết liệt và kiến tạo phát triển chưa đáp ứng yêu cầu…
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết: PCI là một trong những thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI là cơ sở để chính quyền phương tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách.
“Những năm gần đây, các cấp chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của mình. Tiền Giang đã nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh.
Đồng thời đã triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, chủ động nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19. Tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin quy hoạch; minh bạch thông tin về đất công; công khai thông tin dự án mời gọi đầu tư; giá đất tạm tính để nhà đầu tư tham khảo; bố trí cán bộ am hiểu về chuyên môn để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, thủ tục và điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế,… Các hoạt động này được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính và doanh nghiệp, nhà đầu tư. ”- ông Nguyễn Đình Thông chia sẻ.
Nhất quán, xuyên suốt
Một trong những mục tiêu trọng tâm mà Tiền Giang đang hướng tới đó là xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang: Gồm 01 cổng chính và 33 trang thông tin điện tử thành phần (22/22 sở, ban, ngành tỉnh và 11/11 UBND cấp huyện) và có các cổng thành phần của cơ quan ngành dọc, đoàn thể và trường học tạo kênh giao tiếp giúp cho người dân và doanh nghiệp với chính quyền, thực hiện các nhu cầu về thủ tục hành chính được thuận lợi. Đến nay, đã có 1.031 thủ tục đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, mức độ 2 là 36 thủ tục (cấp tỉnh 27 thủ tục; cấp huyện 9 thủ tục); mức độ 3 là 241 thủ tục (cấp tỉnh là 177 thủ tục; cấp huyện là 64 thủ tục); mức độ 4 là 754 thủ tục (cấp tỉnh 720 thủ tục; cấp huyện 34 thủ tục).
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh tỉnh Tiền Giang. Để cụ thể hóa những định hướng lớn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó đề cập đến mục tiêu cải cách các chỉ số, cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, các Chỉ số PAR Index, PAPI và PCI của tỉnh nằm trong nhóm 30 hàng đầu của cả nước; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong nỗ lực cải thiện PAR Index, PAPI và PCI hằng năm của tỉnh.
Để nâng cao thứ hạng các chỉ số này, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải thiện các chỉ số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Mục tiêu tỉnh hướng tới là xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, minh bạch và hiện đại; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước; bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.”- ông Nguyễn Đình Thông nhấn mạnh.