Tiền Giang: Chính quyền sẵn sàng “phục vụ” doanh nghiệp
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, chính quyền các cấp phải nhanh chóng chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ và hỗtrợ” doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Theo ông Lê Văn Hưởng: Trong thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư và thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016, Tiền Giang đã cấp 07 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 dự án nằm trong KCN với tổng vốn đăng ký 326,4 triệu USD (tương đương 6.854,4 tỷ đồng), có 04 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng là 14,046 triệu USD (tương đương 295 tỷ đồng), nâng tổng vốn FDI thu hút được trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 340,446 triệu USD (7.149,4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tỉnh thu hút mới được 05 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 1.322,81 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
Về phát triển doanh nghiệp, ước 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh Tiền Giang có 271 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 9,7% vế số lượng, đặc biệt số vốn đăng ký tăng 2,2 lần so với cùng kỳ. Qui mô vốn bình quân đăng ký tăng từ 3,00 tỷ/DN năm 2015 lên 6,1 tỷ/DN trong 6 tháng đầu năm 2016
Những con số trên là nỗ lực vượt trội khi trước đó theo Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Tiềng Giang đứng thứ 49/63 tỉnh thành cả nước và xếp áp chót trong khu vực ĐBSCL. Kết quả này thể hiện những cam kết, nỗ lực hành động của chính quyền địa phương trong việc nâng cao PCI cũng như thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
– Bên cạnh những nỗ lực đổi mới của chính quyền địa phương, theo ông đâu là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang?
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Tiền Giang xác định lực lượng doanh nghiệp là động lực phát triển của tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Minh chứng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 911 triệu USD, tăng 13,9% so cùng kỳ, ước cả năm 2016 đạt 2,13 tỷ USD.
Các doanh nghiệp đã tạo nhiều việc làm mới cho người lao động, đến nay, tổng số lao động làm việc cho các doanh nghiệp là147.000 lao động, tăng bình quân 13,9%/năm giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, đóng góp cho ngân sách của các doanh nghiệp tư nhân hàng năm đều tăng từ 730 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 1.000 tỷ đồng năm 2015.
Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu:Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Chính vì vậy, phát triển doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang 5 năm tới (2016-2021).
– Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, xem đây là đối tượng phục vụ, tỉnh Tiền Giang có những giải pháp gì để tập trung phát triển nguồn lực này thưa ông?
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, ngày 15/6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp Tiền Giang năm 2016 nhằm lắng nghe những ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân, hộ kinh doanh, sinh viên… chia sẻ, đề xuất, kinh nghiệm quý báu về phát triển doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp…
Trên cơ sở đó chúng tôi yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương nghiên cứu tiếp thu, xây dựng các giải pháp; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp cùng với quá trình xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Cụ thể:
Thứ nhất, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 30/5/2016 thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020. Trong đó giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể cho các sở ngành và địa phương để triển khai thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong năm 2016, 2017 và đến năm 2020.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, thuế, môi trường, xây dựng… Nâng cao chất lượng và năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ công chức. Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, và trách nhiệm của người đứng đầu, khẳng định quan điểm: Chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở phải chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ và hỗ trợ” doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Thứ ba, con người là yếu tố then chốt để phát triển doanh nghiệp: cần tạo và phát triển tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp thông qua các khóa đào tạo về khởi nghiệp, kỹ năng quản trị doanh nghiệp… Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, phản ảnh kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đến cơ quan nhà nước để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…
Thứ tư, nghiên cứu hình thành Câu lạc bộ khởi nghiệp Tiền Giang nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy những ý tưởng kinh doanh được triển khai trong thực tế, trong đó chú trọng việc vận động nguồn quỹ khởi nghiệp để có thể tài trợ ý tưởng, đề án, dự án khởi nghiệp…
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin đến doanh nghiệp, người dân. Công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các địa phương; các quy hoạch phát triển ngành; quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng – đô thị; chính sách ưu đãi đầu tư…
– Theo ông đâu là thách thức lớn nhất trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược mà tỉnh đề ra?
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Tiền Giang đang ở trong thời kỳ “dân số vàng” với hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là sức ép không nhỏ đối với nền kinh tế của tỉnh về khả năng tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh khả năng tích lũy tái đầu tư còn hạn chế.
Mặt khác, nguồn vốn đầu tư của tỉnh còn mất cân đối lớn giữa nhu cầu và khả năng đầu tư từ tích lũy nội bộ nền kinh tế. Hiện tỉnh cũng còn thiếu các DN, các nhà đầu tư đủ mạnh về tiềm lực tài chính, thị phần, uy tín, thương hiệu nhằm góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, làm đầu mối thu hút nguồn vốn đầu tư mới, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thực tế trên đòi hỏi tỉnh phải quyết tâm nỗ lực trong hành động, thực thi hiệu quả các chủ chương chính sách, giải pháp đã đề ra để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng phát triển, tránh rơi vào bẫy “phát triển trung bình”.
– Như ông đã nói, con người là yếu tố then chốt để phát triển doanh nghiệp trong khi đóTiền Giang có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, vậy tỉnh có chính sách gì để khơi dậy và thúcđẩy tinh thần nghiệp chủ?
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Theo các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước có thể thấy phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp cần có 04 nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt, bao gồm: tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường…
Tiền Giang sẽ nghiên cứu để có chính sách phù hợp theo 04 nhóm hỗ trợ trên, qua đó tạo nền tảng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, khởi nghiệp là một lộ trình dẫn đến thành công mà ở đó cơ chế chính sách chỉ là những tác nhân ngoại lực, sáng tạo mới là nội lực, động lực chính đưa sự nghiệp khởi sắc, phát triển. Người Tiền giang đã có truyền thống lao động sản xuất kinh doanh giỏi và đã sản sinh ra nhiều doanh nhân thành đạt, nay trong điều kiện phát triển mới đòi hỏi tinh thần doanh nghiệp phải được khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa.
Tôi tin tưởng cùng với các thế hệ doanh nhân đi trước doanh nhân thế hệ mới sẽ tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
– Cảm ơn ông!