Tiền Giang đề cao trọng tâm cải cách hành chính
14 Tháng 11, 2022
Với sự tập trung lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền, những mục tiêu lớn về cải cách hành chính thể hiện rõ qua các chỉ số thống kê đang được Tiền Giang triển khai thuận lợi và kỳ vọng sớm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.
Tập trung nhiệm vụ trọng tâm
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, tỉnh Tiền Giang tập trung đẩy mạnh theo hướng minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Tỉnh triển khai hiệu quả chuyển đổi số trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), hoạt động hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số, nền tảng số là nhu cầu thiết yếu.
Theo kế hoạch, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số tại Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 08/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 217 KH-UBND ngày 24/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Kế hoạch 245/KH-BCĐ ngày 26/7/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang về hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tăng cường trao đổi và lắng nghe các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong địa bàn tỉnh.
Theo kết quả Báo cáo đánh giá DTI năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Tiền Giang xếp hạng 12/63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số kinh tế số, đạt 0,4856 so với giá trị trung bình kinh tế số cấp tỉnh là 0,4098, cao hơn so với trung bình chung cả nước là 0,0758.
Với những kết quả cụ thể đã đạt được, giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2021 là 8.619 tỷ đồng/100.314 tỷ đồng, chiếm 8,59% GRDP của tỉnh. Tiền Giang tự tin với những kế hoạch cụ thể đối với phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh. Tiền Giang phấn đấu đạt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh (đến năm 2030 đạt 25%); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% (đến năm 2030 đạt 15%) và năng suất lao động hằng năm tăng bình quân trên 7% (đến năm 2030 đạt 8%).
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông biên soạn, triển khai tài liệu dưới nhiều hình thức tuyên truyền như: Dạng Text, dạng Slide, dạng Infographic và các video ngắn đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận người xem. Đáng chú ý, UBND tỉnh Tiền Giang triển khai thí điểm thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại địa phương.
Theo Báo Công luận