The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tiền Giang: Đổi mới hướng tới… thực chất

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Đổi mới thực chất và hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của UBND tỉnh Tiền Giang.

Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT), thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp năm 2016 của phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT Tiền Giang lần lượt là 1,22 ngày và 0,99 ngày, nhanh nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới là 1,17 ngày (trung bình cả nước là 2,55 ngày)...

Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Tiền Giang thời gian gần đây.

p/Hội nghị sơ kết kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN tỉnh Tiền Giang

Bứt phá

Năm 2014, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tiền Giang xếp hạng 52/63, năm 2015 hạng 49/63, năm 2016 là 48/63, xếp hạng thứ 12/13 tỉnh ĐBSCL.

Có một điều khá đặc biệt là thứ hạng này lại tỷ lệ nghịch với thực tế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại địa phương. Bởi, trong năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã thu hút thêm 11 dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký mới là 384,78 triệu USD, diện tích thuê đất là 67,61 ha, nâng tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đến nay lên 88 dự án (62 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,72 tỷ USD và gần 4.000 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê 461,83 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy 60,75%...

Tiền Giang trở thành tỉnh đứng thứ 2/13 tỉnh trong thu hút đầu tư FDI vào ĐBSCL. Thậm chí, trong quí I/2017, tỉnh Tiền Giang đã vượt lên dẫn đầu khu vực với tổng số vốn thu hút được là 56,4 triệu USD.

Kết quả trên đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Minh chứng, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (GRDP) tăng 9,56%, cao nhất so với nhiều năm gần đây và đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Đổi mới thực chất và hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của UBND tỉnh Tiền Giang. Tiền Giang đang tiến những bước chậm - chắc để nhà đầu tư yên tâm đồng hành vì sự phát triển bền vững của địa phương.

Thực tế cho thấy, cùng với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt chú trọng thủ tục đầu tư, thủ tục về thuế, thủ tục về đất đai, môi trường và triển khai chính quyền điện tử, các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Sau khi có Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức 5 Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (năm 2016 tổ chức 3 cuộc và 2 cuộc trong 6 tháng đầu năm 2017). Qua đó, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Hầu hết các kiến nghị của các doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp, chỉ đạo các sở, ban, ngành giải đáp ngay hoặc ghi nhận để giải quyết trong thời gian quy định cụ thể, báo cáo tiến độ kết quả giải quyết cho UBND tỉnh và doanh nghiệp. Tính đến nay, hầu như các kiến nghị tại Hội nghị đối thoại năm 2016 và quý I/2017 đã được giải quyết.

Năm 2017, UBND tỉnh Tiền Giang phấn đấu đưa PCI của tỉnh vào nhóm xếp hạng trên trung bình và không có chỉ số thành phần đạt dưới điểm 5, tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số các chỉ số thành phần đã đạt trong các năm qua, không có chỉ số bị giảm điểm; phấn đấu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh mỗi năm tăng từ 5 đến 7 bậc, năm 2017 ở nhóm 40 và đến năm 2020 đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành có PCI cao, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành “Khá”.

Ngoài các cuộc Hội nghị đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, UBND các huyện, thành phố, thị xã đều tổ chức các cuộc Họp mặt doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tất cả các huyện, thị xã đều tổ chức các cuộc Họp mặt doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

p/Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và làm việc với DNTN Thương mại - Dịch vụ Thủy hải sản đánh bắt xa bờ Thái Hòa (huyện Gò Công Đông).

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và làm việc với DNTN Thương mại - Dịch vụ Thủy hải sản đánh bắt xa bờ Thái Hòa (huyện Gò Công Đông).

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thường xuyên đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và giải quyết hàng loạt kiến nghị chính đáng liên quan đến cơ sở hạ tầng, tuyển dụng lao động, mở rộng đầu tư…

Những nỗ lực trên, một mặt hướng tới hiện thực hoá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu, dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao. Trong đó, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Một mặt, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhằm thống nhất trong cả hệ thống chính trị về công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn nó thể hiện quyết tâm hành động của bộ máy chính quyền các cấp tỉnh Tiền Giang

Thực chất và hiệu quả

Ông Lê Văn Hưởng cho rằng: Mục tiêu, động lực là rất lớn nhưng trở lực cũng nhiều. Dẫn lời dạy của Bác Hồ: “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” thì mới tạo được hiệu quả công việc cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 560 doanh nghiệp, tăng 20,2% so với năm 2015. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đầu năm là 364 doanh nghiệp, tăng 15,6% so cùng kỳ 2016. Đặc biệt, trong tháng 3/2017 và tháng 7/2017 số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong nhiều năm gần đây (68 và 73 doanh nghiệp). Tính đến nay, số doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh là 4.226 doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.000 doanh nghiệp hoạt động có khả năng đạt và vượt.

Về số hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh là 2.462 hộ với vốn đăng ký 419.6 tỷ đồng (giảm 13,8% về số lượng so với cùng kỳ năm 2016 nhưng tăng 8,1% về số vốn đăng ký); Lũy kế đến 30/6/2017, toàn tỉnh có 60.559 hộ kinh doanh với vốn đăng ký 6.904,4 tỷ đồng; Số hợp tác xã đăng ký thành lập mới 6 tháng đầu năm 2017 là 16 HTX với vốn đăng ký 3,2 tỷ đồng (tăng 45,5% so với cùng kỳ 2016); Lũy kế đến ngày 30/6/2017, toàn tỉnh có 92 HTX với tổng vốn đăng ký là 1.562,3 tỷ đồng.

“Những con số trên dù là kết quả bước đầu nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện cam kết của UBND tỉnh và truyền đi thông điệp mạnh mẽ về chính quyền kiến tạo, phục vụ, đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp là một quá trình liên tục đòi hỏi sự kiên định, sáng tạo và một lộ trình phù hợp. Và trên “lộ trình” đồng hành phát triển, UBND tỉnh cũng mong muốn, từ thực tế hoạt động, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân.”- ông Lê Văn Hưởng chia sẻ.