The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tiền Giang: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thực hiện quyết liệt trong năm 2016 – năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Ngày 30/5/2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch hành động số 113/KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quyết tâm đưa chỉ số năng lực cạnh trang cấp tỉnh (PCI) năm 2016 trở lại nhóm khá cả nước.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ký cam kết với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, cam kết đến năm 2020 tăng số lượng doanh nghiệp trong tỉnh lên gấp đôi hiện nay. Lãnh đạo tỉnh đã mở nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Ngoài ra, 8/11 huyện, thành, thị xã trong tỉnh đã tổ chức họp mặt doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.

Theo đánh giá, những hoạt động trên nhận được sự hoan nghênh của các doanh nhân, góp phần tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, bảo đảm quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân trong các ngành nghề pháp luật cho phép; kế thừa và cập nhật những quy định mới, giúp doanh nghiệp vượt qua những thử thách, rào cản nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Đáng chú ý, tại các hội nghị chuyên đề về phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh xác định những giải pháp trọng tâm giúp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên cơ sở Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017 và định hướng đến năm 2020 cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 66/TB-VPCP về tình hình triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; trong đó, Tiền Giang chú trọng xây dựng và hoàn thành thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT, Hợp tác xã Rạch Gầm rất phấn khởi khi tham dự các hội nghị đối thoại doanh nghiệp vừa qua. Ông Liêm cho biết, doanh nghiệp cần nhiều thông tin để phát triển bền vững. Do vậy, Chính phủ, các cơ quan ban, ngành cùng chính quyền tỉnh nên cung cấp nhiều thông tin thiết thực hơn để doanh nghiệp có bước chuẩn bị tốt trong quá trình hội nhập.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thuận Phú (Châu Thành), ông Nguyễn Phương Bình đánh giá, địa phương đã có những nỗ lực lớn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cấp giấy phép xây dựng… Cụ thể, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như thời gian thẩm định đã rút ngắn nhiều so với trước đây. Song song đó, tỉnh cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề tìm giải pháp khả thi, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc như: hội nghị phát triển doanh nghiệp, hội nghị phát triển đô thị, hội nghị phát triển thương mại…khiến giới doanh nhân rất phấn khởi.

Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh mong muốn thông qua những giải pháp tích cực thiết thực tạo dựng môi trường tốt hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm nguồn cung hàng hóa dồi dào tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, còn xây dựng và triển khai những hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhẳm mở rộng và chiếm lĩnh thị trường…

Những biện pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp và thu hút đầu tư ban đầu đã mang lại kết quả khá tốt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 369 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.638 tỷ đồng, tăng 9,2% về số doanh nghiệp và 2,4 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ. Tỉnh phấn đấu cả năm 2016 thành lập mới thêm 500 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới 1.800 tỷ đồng, tăng 11,1% về số doanh nghiệp và tăng 20% về vốn đăng ký.

Trong hơn 9 tháng qua, Tiền Giang thu hút được 17 dự án đầu tư mới, vượt chỉ tiêu năm 2016 là 14 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 9.220 tỷ đồng, tăng 4 dự án và gấp 3,6 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 8 dự án tăng vốn đầu tư thêm trên 1.300 tỷ đồng, tăng 4 dự án và tăng 75% về vốn đăng ký tăng thêm so cùng kỳ năm 2015.

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại – dịch vụ đặc biệt là xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong 9 tháng qua đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước và đạt gần 75% chỉ tiêu năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,46 tỷ USD, tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước và đạt khoảng 70% chỉ tiêu năm 2016. Hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều tăng, thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: châu Á, châu Mỹ, EU,…Từ đó, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng năm 2016 đạt 7,8%, đạt mức khá so các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (toàn vùng đạt bình quân 6,5%).

Ông Trần Hoàng Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, trong các tháng cuối năm 2016, địa phương tiếp tục thực hiện tốt và quyết liệt Kế hoạch hành động số 113/KH-UBND ngày 30/5/2016 của UBND tỉnh Tiền Giang, chú trọng cải cách hành chính, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu lao động cho nhà đầu tư.

Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền, Tiền Giang đưa các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh như: nông nghiệp, nông thôn, chế biến nông – lâm – thủy sản cũng như phổ biến rộng rãi những chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp thêm cơ hội tốt tiếp cận các chủ trương, chính sách mới, có cơ sở quyết định đầu tư, khởi nghiệp làm ăn.

Ngoài ra, các cấp, các ngành đưa nội dung đối thoại doanh nghiệp, tiếp xúc nhà đầu tư vào chương trình làm việc định kỳ, thường xuyên. Mục đích kịp thời tháo gỡ vướng mắc gắn với rà soát quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành phù hợp với danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo khi có nhà đầu tư đăng ký thì có thể triển khai thực hiện ngay. Như vậy, mới có thể đưa chủ trương khởi nghiệp doanh nghiệp, thu hút đầu tư theo tinh thần “Chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp sáng tạo” vào đời sống, phát huy được các tiềm năng đất đai, lao động, thúc đẩy Tiền Giang - địa phương nằm trong khu vực sông Tiền và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá đi lên, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào năm 2020 và tầm nhìn 2025./.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng Sản