Tiền Giang: Nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI và môi trường đầu tư
Kết quả chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thể hiện qua chỉ số PCI năm 2016 sẽ được tiến hành điều tra, khảo sát doanh nghiệp trong quí 3 và quí 4 tới. Kết quả PCI năm 2016 đến tận quí 1 năm 2017 mới được công bố, nên hiện nay chưa thể đánh giá được một cách cụ thể như báo mạng nêu.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số từ dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID). Mục đích nhằm giúp chính quyền địa phương nhìn nhận lại những điểm còn hạn chế trong điều hành kinh tế để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp dưới góc nhìn doanh nghiệp.
Từ đó, có biện pháp khắc phục hạn chế và phát huy thế mạnh của tỉnh. Chỉ số PCI trong 3 năm gần đây của Tiền Giang thấp: Năm 2013 xếp hạng 37/63 tỉnh, thành, năm 2014 hạng 52/63 và năm 2015 hạng 49/63 tỉnh, thành phố.
Để khắc phục, ngay từ đầu năm 2016, lãnh đạo tỉnh đã triển khai những giải pháp quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Từ đó, cải thiện chỉ số PCI trong năm.
Tỉnh phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức 2 cuộc hội thảo chuyên đề, nhằm phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp thiết thực cải thiện chỉ số PCI, trong đó chú ý đến các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.
Kết quả 2 cuộc hội thảo trên được đúc kết, tổng hợp kịp thời, là cơ sở để tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 113/KH-UBND ngày 30/5/2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt, trong đó tỉnh giao nhiệm vụ và thời gian cụ thể cho các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện quyết liệt theo lộ trình đề ra.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ phương châm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngay trong tháng 6/2016, địa phương tổ chức các hội nghị chuyên đề để tìm ra giải pháp khả thi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, như: Hội nghị Phát triển doanh nghiệp, Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, Hội nghị Phát triển đô thị, Hội nghị Phát triển thương mại,... đồng thời kiện toàn Hiệp hội Doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giúp các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đầu tư làm ăn, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại cuộc Họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 được tổ chức trong nửa đầu tháng 7/2016, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chỉ tính về thời gian, hiện nay trong vòng 5 - 9 ngày thẩm định đã có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đó là một trong những bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính. Trước mắt, những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm, khoa học, địa phương thực hiện mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Đồng thời, trong nửa đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 26.000 tỉ đồng, tăng 7,14% và đứng thứ 2/63 tỉnh, thành; thu ngân sách đạt 7.255 tỉ đồng, đạt 61,5% dự toán và tăng 24,8% cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu 908 triệu USD, tăng hơn 13,7% cùng kỳ. Tỉnh thu hút 12 dự án đầu tư, tăng 3 dự án so cùng kỳ năm trước; 5 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm gần 8.200 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm trước. Có 271 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỉ đồng, tăng 10,2% về số doanh nghiệp và gấp 2,8 lần về vốn so cùng kỳ. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trên đây chỉ mới là kết quả phấn khởi bước đầu. Sắp tới, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, Tiền Giang đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến thực chất về tăng trưởng cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt trong đó cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tạo những hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như các hoạt động đầu tư phát triển và sản xuất - kinh doanh. Gốc vững chắc thì ngọn và cành, lá mới sum suê, người dân hưởng lợi, đồng thời mở ra vận hội mới cho tỉnh Tiền Giang nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vừa trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mạnh bước hội nhập và đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đây chính là tiền đề cải thiện Chỉ số PCI năm 2016 và những năm tiếp theo như kỳ vọng của các cấp, các ngành và nhân dân.
Văn Kỳ Thanh