Tiền Giang: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS và PCI
24 Tháng 11, 2021
Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số Sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là các chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Với tính chất quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch; trong đó, có kế hoạch nâng cao các chỉ số trong năm 2021 và những năm tiếp theo để tiếp tục tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh và sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo ở địa phương, là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
NHẬN DIỆN NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Theo đánh giá chung, năm 2020, điểm số của các chỉ số còn thấp, có nhiều nguyên nhân: Do nhận thức của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập về các chỉ số nêu trên chưa tốt; sự quan tâm và tính quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) còn hạn chế; tính tiên phong, năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan hành chính các cấp trong việc xây dựng một hệ thống công vụ phục vụ nhân dân, liêm chính, hành động quyết liệt và kiến tạo phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi chưa thực hiện tốt…
Theo quy định của Bộ Nội vụ, thực hiện Chỉ số PAR INDEX thì tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm phải cao hơn năm trước từ 20% trở lên mới đạt điểm tối đa. Năm 2020, theo thống kê Tiền Giang có khoảng 770 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Cũng theo quy định của Bộ Nội vụ, phải có từ 50% trở lên số TTHC có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích so với tổng số TTHC đang thực hiện. Tiêu chí này rất khó đạt điểm do đa số tổ chức, công dân vẫn chưa có thói quen sử dụng dịch vụ này vì sợ mất giấy tờ gốc. Bên cạnh đó, theo quy định, 100% TTHC đã công bố thực hiện mức độ 3 và 4 phải được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia mới đạt điểm tối đa.
Chưa kể, năm 2020, Chỉ số PCI của Tiền Giang xếp 45/63 tỉnh, thành phố, đạt 62,78 điểm (năm 2019 tỉnh xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố, đạt 63,91 điểm). Chỉ số PCI giảm là do tốc độ cải thiện của một số chỉ số thành phần còn ở mức thấp.
Theo công bố của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, năm 2020 Chỉ số PAPI của Tiền Giang xếp hạng 52/63 tỉnh, thành, đạt 42,295 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2019 (năm 2019 tỉnh xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố, đạt 43,21 điểm).
Nguyên nhân là do nhiều chỉ số thành phần như quản trị điện tử, quản trị môi trường hay trách nhiệm giải trình với người dân... của tỉnh nằm ở mức trung bình thấp; một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều năm liên tục mà chưa được khắc phục. Điều này cho thấy mức độ tiếp cận thông tin của người dân đối với các dịch vụ, khả năng quản trị của cơ quan nhà nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
TỪNG BƯỚC THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Từ việc nhận diện đúng những hạn chế còn tồn tại, Tiền Giang đã từng bước tháo gỡ những khó khăn trong CCHC. Tiền Giang luôn xác định lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp là đích đến của mọi sự phục vụ.
Tỉnh luôn xác định không vội hài lòng với những kết quả đạt được, mà còn phấn đấu làm tốt hơn nữa, đưa công tác CCHC đi vào chiều sâu, hình thành “vững chắc” tư duy phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đó là lý do để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; trong đó, có các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn.
Để cụ thể hóa những định hướng lớn trong CCHC, UBND vừa ban hành Quyết định về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước của tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Quyết định quy định mục tiêu cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công cụ thể cho từng giai đoạn.
Trong kế hoạch cũng đề cập đến mục tiêu cải cách các chỉ số, cụ thể là: Phấn đấu đến năm 2025, các Chỉ số PAR Index, PAPI và PCI của tỉnh nằm trong nhóm 30 hạng đầu của cả nước; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong nỗ lực cải thiện PAR Index, PAPI và PCI hằng năm của tỉnh.
Để nâng cao thứ hạng chỉ số này đòi hỏi một khối lượng lớn công việc cần phải làm và làm sớm. Theo đó, tháng 4-2021, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải thiện các chỉ số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các sở, ngành theo dõi, đánh giá từng chỉ số. Theo định kỳ, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp với các ngành khảo sát, điều tra, đánh giá các chỉ số, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cải thiện các chỉ số quan trọng này.
Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước để góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Qua đó, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh; từng bước cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công từ tỉnh đến cơ sở (xã, phường, thị trấn), nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Mục tiêu tỉnh hướng tới là xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, minh bạch và hiện đại; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước; bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.
Phát huy dân chủ và thực hành dân chủ trong nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân.
Trong định hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, Tiền Giang cũng sẽ tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp; công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; công bố kết quả giải quyết TTHC để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tra cứu tình hình, kết quả giải quyết; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...
Theo Báo Ấp Bắc