The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tiền Giang: Tư duy sáng tạo, hành động hiệu quả

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh Nghiệp, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Với những nỗ lực chuyển từ chính quyền điều hành sang chính quyền đồng hành, Tiền Giang không chỉ cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh mà còn nâng cao năng lực thực thi và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước.

Ông Lê Văn Hưởng cho biết: Có lẽ chưa bao giờ, yêu cầu về xây dựng một bộ máy chính quyền năng động, trách nhiệm, hiệu quả, luôn hành động vì người dân, vì doanh nghiệp lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Con đường từ chính sách tới thực thi sẽ phải là con đường ngắn nhất. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới. Những nỗ lực ban đầu đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của bộ máy chính quyền các cấp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

– Mới đây, Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, xin ông cho biết đâu là nhóm vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm và mong muốn được hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ của các cấp chính quyền?

Nội dung phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp tại các cuộc hội nghị chủ yếu xoay quanh các vấn đề về: thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, đất đai còn vướng mắc ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm, mất điện đột xuất tại các Khu công nghiệp, an ninh trật tự, an toàn lao động, bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp. Đây không phải là những vấn đề mới nhưng đòi hỏi phải có giải pháp mới, sáng tạo để khẩn trương giải quyết trên tinh thần hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên, và vấn đề phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp…

– UBND tỉnh có những cam kết và các giải pháp, tổ chức triển khai thực hiện như thế nào thưa ông?

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang… Để đảm bảo tính thực thi cao, trên tinh thần “Nhà nước kiến tạo và lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Thứ hai, hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng; Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nâng cao kỹ năng quản lý của các DNNVV; Thứ năm, đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực thuận lợi hơn; Thứ sáu, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ và xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp; Thứ bảy, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Thứ tám, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, tăng cường gắn bó hợp tác với chính quyền, thân thiện, đồng thuận với người dân trên địa bàn.

Để đảm bảo tính thực thi cao, trên tinh thần “Nhà nước kiến tạo và lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

– Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, xem đây là đối tượng phục vụ, vậy tỉnh thiết lập cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào để thông tin của doanh nghiệp được tiếp nhận sớm nhất và được xư lý nhanh nhất?

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã chuẩn hóa các nội dung theo hướng loại bỏ những giấy tờ không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết. Điều chỉnh cập nhật, bổ sung và hướng dẫn chi tiết về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tại Trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang.

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, ngoài việc các sở, ngành và địa phương thường xuyên tiếp xúc doanh nghiệp, hộ kinh doanh. UBND tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp ít nhất là 02 lần/năm, hằng tuần thường trực UBND tỉnh tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư, hằng tháng chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp xúc doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời qua đó để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh ngày một hoàn thiện hơn.

Tiền Giang xúc tiến thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho người dân và doanh nghiệp… Định kỳ tổ chức, đánh giá nhận xét về tiến độ, thái độ thực hiện thủ tục hành chính của cán bộ, công chức nhất là thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.

– Phát triển kinh tế – xã hội Tiền Giang phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với định hướng chung của cả nước, vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các quy hoạch và kết nối với không gian kinh tế mở, theo ông đâu là lợi thế kiến tạo giá trị gia tăng của tỉnh trong chuỗi giá trị vùng?

Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được Chính phủ quyết định vào vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN); nằm trải dài trên bờ Bắc Sông Tiền với chiều dài trên 120 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và cách thành phố Cần Thơ 90km về hướng Bắc; là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông đường bộ quan trọng như: Quốc lộ 1A, đường cao tốc TPHCM – Trung lương, QL 30, 50, 60…

Mặt khác, Tiền Giang còn nằm trên hệ thống giao thông thủy của vùng và quốc gia như các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo và 32 km bờ biển, nằm gần đường hàng hải quốc tế – cách Vũng Tàu 40 km – có lợi thế để trở thành đầu mối khu vực Bắc Đồng bằng sông Cửu Long về giao lưu vận tải biển với cả nước và khu vực Đông Nam Á gắn liền với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản, công nghiệp phụ trợ, kho vận, vận tải biển và hệ thống cảng biển quy mô vừa…

Các lợi thế đó mở rộng khả năng hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và vùng KTTĐPN phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phục vụ đô thị và các loại hình công nghiệp phụ trợ cho vùng, công nghiệp chế biến nông thủy sản, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ như du lịch, thương mại, đô thị, dân cư; đồng thời, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, tạo giá trị gia tăng của Tiền Giang trong chuỗi giá trị vùng.

– Với những giải pháp đồng bộ và nỗ lực của bộ máy chính quyền tỉnh Tiền Giang trong việc kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, điều này sẽ tác động đến kinh tế – xã hội của tỉnh như thế nào trong những năm tới thưa ông?

Chúng tôi đã đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP – giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 8,5-9,5%/năm (cao hơn giai đoạn trước 1,0-2,0%). Đến năm 2020, tổng GRDP đạt khoảng 119-124 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế: vào năm 2020, tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 31,3-32,7%; công nghiệp – xây dựng chiếm 32,3-33,6%; dịch vụ chiếm 34,9-35,1% trong tổng GRDP. Kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2020 đạt khoảng 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 14,1%/năm. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2020 đạt 9.116 tỷ đồng và cả giai đoạn 2016-2020 thu đạt 36.875 tỷ đồng. Mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 20 ngàn lao động trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 là 51% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 40%…

Tôi cho rằng với sự quyết tâm đổi mới và có kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể của bộ máy chính quyền các cấp cùng với sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, những tiềm năng lợi thế to lớn của Tiền Giang sẽ được khai mở, phát huy tạo động lực bứt phá cho kinh tế- xã hội của tỉnh trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Lê Trang

Enternews