The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế cuối năm

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thể hiện những nỗ lực đúng hướng và thành công đáng ghi nhận trong điều hành KT-XH của đất nước ta trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, phức tạp… Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại, khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế đang phát triển dưới tiềm năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có phần chậm lại và nguy cơ khó đạt mục tiêu năm 2017. Vậy nguyên nhân do đâu, cần làm gì để tháo “nút thắt” này?

Nghịch lý DN tự “tra dầu bôi trơn” có chấm dứt?

Sẽ có nhiều câu trả lời cho câu hỏi trên, từ góc độ thể chế, có 3 vấn đề cần lưu ý giải quyết để tiếp sức cho phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2017 đạt kế hoạch mục tiêu đề ra:

Thứ nhất, cần tiếp tục đột phá môi trường kinh doanh để khu vực tư nhân thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đang là động lực chính về thu hút lao động, tạo việc làm xã hội và đóng góp về GDP, nhưng cơ bản chỉ gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp, sản phẩm chất lượng chưa cao, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước.

Theo báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14.3.2017 cho thấy, có nhiều xu hướng cải thiện chỉ số PCI của cả nước. Nhờ vậy, 65% DN hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp (DN) đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỉ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo CPI-2016 cũng cho thấy có hai nghịch lý đáng lo ngại: Nghịch lý thứ nhất là ngược lại với tổng thể môi trường đầu tư được cải thiện là tình trạng chậm cải thiện, thậm chí nặng nề hơn về các chi phí không chính thức ở khu vực DN trong nước. Khoảng 66% DN cho biết phải thường xuyên chi trả các khoản không chính thức và chúng chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ.

Nghịch lý thứ hai là hiện tượng DN tự nguyện “tra dầu bôi trơn” lớn hơn hẳn so DN bị đòi hỏi phải chi bôi trơn. Chỉ 8% DN bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Còn có tới 44% DN chủ động đưa biếu và 59% các DN tin rằng hành vi chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi này là phổ biến, trở thành “luật bất thành văn”. Hơn nữa, gần 80% DN trả lời việc đưa quà là nhằm tạo lập mối quan hệ, như một “hợp đồng bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai.

Sự phổ biến của chi phí “bôi trơn” đã bình thường tới mức hai bên mặc định cần có và khi không có thì bên cảm thấy thiếu và bên chưa an tâm. Điều này có thể thấy rõ qua báo cáo PCI 2016, khi mà có tới 88% DN ít nhiều đều gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước do không “bôi trơn”…

DN là đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận. Một DN không không bao giờ “chi bôi trơn” khi không bị đòi hỏi hay không mưu cầu vì lợi ích của mình. Khi xu hướng coi việc đưa (bị động bắt buộc hoặc chủ động không bắt buộc) và liên tục gia tăng mức “chi phí không chính thức” để “bôi trơn thủ tục” được mặc định như một phần tất yếu của DN và các quan hệ xã hội thì độ “ô nhiễm môi trường” đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đậm đặc và tiêu cực. Chúng không chỉ cản trở cạnh tranh lành mạnh, tăng chi phí sản xuất và giảm bớt lợi nhuận của DN, mà còn tạo kẽ hở cho thất thu NSNN, gây hại cho nhà nước, thị trường và xã hội, là bằng chứng cho thấy sự bất lực, kém năng lực, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước.

Giảm chi phí trung gian

Thời gian qua có nghịch lý là cả nước chung lo giải cứu nông sản, trong khi có sự chênh lêch lớn giữa giá bán buôn và bán lẻ, cũng như chất lượng bảo quản, chế biến không đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Cần nhấn mạnh rằng, động lực mới cho phát triển kinh tế nói chung, khu vực DN, cũng như nông nghiệp nói riêng cần được hội tụ và cộng hưởng từ gia tăng các chuỗi liên kết kinh doanh kiểu mới, khép kín sản xuất với thu hoạch, bảo quản, phân phối, hài hòa lợi ích; với các sản phẩm có chất lượng cao đủ sức vượt qua mọi rào cản kỹ thuật quốc gia và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.

Khép kín chuỗi liên kết trong nông nghiệp là khép lại quá khứ bấp bênh về giá cả và sản lượng của hàng loạt nông sản chủ lực và mở ra cách làm mới, tương lai mới tươi sáng hơn của hàng triệu nông dân Việt, giảm thiểu tình trạng phải giải cứu nóng như về thịt lợn hiện nay...!

Giải pháp tiếp theo là cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý các dự án hợp tác công tư. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước ngày 21.2.2017, có tới 80% trong số 27 dự án BOT (hầu hết là chỉ định thầu) sau khi được rà soát các chi phí và mức thu phí đã bị kiến nghị phải rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn, dự án ít nhất là 10 tháng và nhiều nhất là 13 năm, với tổng số thời gian điều chỉnh giảm gần 100 năm so với các phương án hiện hành. Thực tế, nhiều điểm thu phí dự án BOT có hiện tượng “mềm nắn, rắn buông”, khi người dân và đối tượng thu phí không đồng thuận và phản đối gay gắt bằng nhiều hình thức, thì chủ đầu tư xuống nước xin “mặc cả” hoặc mới chịu miễn, giảm mức thu phí.

Trong bối cảnh đầu tư công đã tới giới hạn và sẽ ngày càng giảm dần và những giới hạn nhất định của dòng vốn nước ngoài, thì khi và chỉ khi môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh và đặt khu vực tư nhân trở thành động lực chính phát triển kinh tế, thì mới khơi nguồn và bảo đảm cho phát triển ngày càng nhanh, mở rộng và bền vững.

TS.NGUYỄN MINH PHONG - ĐỖ NGỌC THỊNH

Báo Lao Động