The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP CỦA CHỈ SỐ PCI 2017

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực vực ĐBSCL năm 2016 và chia sẻ các thực tiễn tốt trong cải thiện PCI” tổ chức tại Vĩnh Long ngày 5-4, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cho rằng việc thay đổi để hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá PCI là một điểm rất quan trọng.
Theo ông Tuấn, việc đánh giá một mặt phải “giữ được ổn sự định” để có thể so sánh theo thời gian vì nếu mỗi năm mỗi thay thay đổi sẽ không đảm bảo tính thống nhất, một mặt cũng phải "cập nhật những thay đổi" rất nhanh về môi trường kinh doanh cấp tỉnh.
“Chính vì vậy, VCCI chọn giải pháp khoảng 4-5 năm rà soát chỉ số một lần, và trong năm 2017 sẽ rà soát chỉnh sửa, cập nhật và bổ sung hệ thống chỉ số”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông, VCCI đã gửi văn bản lấy ý kiến của tất các chuyên gia và cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bình luận cụ thể từng chỉ tiêu. “Hiện nay, VCCI đang xử lý thông tin, các nhóm chuyên gia đang làm việc và dự kiến có một số vấn đề nổi bật mà VCCI sẽ đưa vào”, ông Tuấn cho biết.
Một trong những vấn đề quan trọng dự kiến sẽ được đưa vào chỉ số đánh giá PCI 2017 là an toàn, an ninh trật tự nhà đầu tư, bảo vệ tài sản nhà đầu tư, những vấn đề về giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, vấn đề về ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững... “Đây có thể là những chỉ số mới, cũng có thể là những chỉ tiêu phụ nằm trong các chỉ số hiện có”, ông Tuấn cho biết.

Những lưu ý cho ĐBSCL

Trình bày về PCI vùng ĐBSCL năm 2016, ông Tuấn cho rằng nếu so sánh cấp vùng, có thể thấy điểm PCI trung bình dù có tăng, nhưng chưa có khác biệt lớn so với trước. Nếu so sánh vùng ĐBSCL với nhiều tỉnh thành, thì có một số địa phương trong vùng vẫn nằm trong nhóm cuối của cả nước. "Vì vậy, nếu tính điểm trung bình về PCI vùng, thì ĐBSCL đang nằm ở giữa. Nhưng nếu so sánh qua thời gian, thì có thể thấy ĐBSCL dù vẫn duy trì mức cải thiện PCI, nhưng so với các vùng khác, tốc độ tăng của những vùng khác đang nhanh hơn”, ông Tuấn cho biết.
Đi vào chi tiết, theo ông Tuấn, vùng ĐBSCL có sáu chỉ số được đánh giá là tích cực. Thứ nhất là chỉ số về tiếp cận đất đai. Từ năm 2013 đến năm 2016, chỉ số tiếp cận đất đai khu vực ĐBSCL đứng đầu cả nước. Thứ hai là thủ tục hành chính thuận lợi hơn. Thứ ba là doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức ít hơn so với các vùng khác. Thứ tư là môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Thứ năm, ĐBSCL cũng là khu vực được doanh nghiệp đánh giá bộ máy chính quyền năng động, tiên phong hơn so với các vùng khác. Thứ sáu là doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp lý an toàn hơn.
Tuy vậy, doanh nghiệp cũng kỳ vọng hơn ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như về nâng cao chất lượng lao động. “Chất lượng đào tạo nghề, chất lượng giáo dục phổ thông thể hiện qua chỉ số về đào tạo lao động. ĐBSCL là khu vực thấp nhất cả nước trong năm 2016”, ông Tuấn cho biết.
Nếu chia theo quy mô doanh nghiệp (theo tiêu chí của Nghị định 56 về doanh nghiệp nhỏ và vừa), thì hầu hết các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ đều chưa hài lòng về chất lượng đào tạo nghề và gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.
"Có 81% doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng này cho biết tuyển dụng giám đốc điều hành, cán bộ quản lý khó khăn hơn các vùng khác; 67% cho rằng tuyển các bộ quản lý cấp trung như giám sát gặp khó khăn và 66% gặp khó trong tuyển cán bộ kỹ thuật; 28% cho biết gặp khó trong tuyển kế toán và 22% gặp khó trong việc tuyển công nhân lao động phổ thông”, ông Tuấn dẫn chứng và yêu cầu các địa phương trong vùng lưu ý cải thiện.
Theo ông Tuấn, khu vực ĐBSCL cũng cần lưu ý cải thiện vấn đề cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, bởi chỉ số về tính minh bạch thông tin của vùng ĐBSCL chưa được đánh giá cao. Doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ thì tiếp cận thông tin càng khó khăn. Chẳng hạn, điểm số về tính minh bạch theo quy mô doanh nghiệp, bình quân doanh nghiệp lớn và vừa đánh giá tiếp cận thông tin của vùng này ở mức 6,1, trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ là 5,7 và siêu nhỏ là 5,47.
Dù chi phí thời gian được đánh giá cao so với các vùng khác, nhưng cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa. Mặt khác, các địa phương của vùng cần đẩy mạnh tham vấn, đối thoại với doanh nghiệp, bởi những doanh nghiệp trong cuộc điều tra PCI, có đối thoại với chính quyền, thì họ có thiện cảm hơn với chính quyền rất nhiều. “Có thể làm như mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp hay An Giang đang thực hiện”, ông gợi ý.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông Tuấn, cần phải nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp và hỗ trợ kịp thời. Bởi kết quả PCI 2016 cho thấy, có 62% doanh nghiệp ĐBSCL cho rằng họ đang gặp khó khăn trong vấn đề tìm kiếm khách hàng, 43% khó khăn về tiếp cận vốn.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết những phản ánh như trên là đúng thực tế, bởi dự nợ tín dụng cho khu vực ĐBSCL hiện chỉ chiếm khoảng 9% so với cả nước.
Về cơ sở hạ tầng, ông Dũng cho rằng mức độ đầu tư vào vùng ĐBSCL là rất hạn chế. Chẳng hạn, năm 2000 khu vực này có được cây cầu Mỹ Thuận, nhưng phải mất 10 năm sau mới có được cây cầu thứ hai là Cần Thơ. Đối với đường cao tốc cũng vậy, vùng chỉ có được cao tốc TPHCM-Trung Lương và hiện cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận vẫn còn bàn. Điều này, theo ông rất khó giúp cho vùng phát triển được.
Theo ông Tuấn, dù PCI không quyết định tuyệt đối đến đầu tư của doanh nghiệp, nhưng cải thiện PCI cũng khuyến khích cho đầu và phát triển doanh nghiệp. “Chúng tôi phân tích cả ngắn và dài hạn, nhìn chung cải thiện PCI giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp thành lặp mới lên 2,7%”, ông Tuấn cho biết.