Tín hiệu lạc quan ở dòng vốn đầu tư nước ngoài
Hơn một nửa trong tổng số gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, có ý định gia tăng quy mô hoạt động tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2010. Công bố khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mới đây về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt, ngoài chi phí lao động và chất lượng lao động, một yếu tố giúp nâng sức cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của Việt Nam nổi lên gần đây chính là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Vì sao hấp dẫn?
Kết quả điều tra PCI năm 2016 với gần 1.600 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã cho thấy những tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh. Có 11% doanh nghiệp cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động – mức cao nhất kể từ năm 2010.
Nhóm nghiên cứu PCI 2016 đã khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến 4 trong số các sáng kiến cải cách quan trọng nhất, gồm cải thiện việc đăng ký và cấp phép đầu tư, mở rộng thêm cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài; nỗ lực giảm ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua cải cách pháp luật và cổ phần hóa; nỗ lực tăng cường khả năng dự đoán chính sách và minh bạch thông qua Luật Tiếp cận thông tin; nỗ lực chống tham nhũng.
Theo các doanh nghiệp, chi phí gia nhập thị trường và “bôi trơn” đã giảm đáng kể. Cụ thể, các quy định gia nhập thị trường không còn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp FDI. Hơn 90% doanh nghiệp có được tất cả các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ khi bắt đầu thực hiện các thủ tục. Đây là tỷ lệ cao nhất Việt Nam từng đạt được và tăng đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước. Thậm chí khoảng 40% doanh nghiệp trong năm 2015 và 2016 chính thức đi vào hoạt động trong vòng chỉ một tháng. Thời gian chờ đợi để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mã số thuế và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần lượt là 35, 21 và 25 ngày.
Ở chiều ngược lại, có khoảng 25% các doanh nghiệp FDI nói rằng, họ trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước, tỷ lệ này giảm so với năm trước. Theo nhóm nghiên cứu PCI 2016, những cải cách của Việt Nam thời gian qua đã gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn. Và các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam trong 2 năm tới sẽ tiếp cận với môi trường thân thiện hơn nhiều so với trước đây.
Nhận định về kết quả PCI 2016 khu vực doanh nghiệp FDI, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết, năm nay hơn 60% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ rất cao so với các quốc gia khác, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật.
Hút cả vốn châu Âu
Trước đó, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng công bố Sách Trắng 2017 về môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể giúp Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Việt Nam không chỉ có tiềm năng mà còn là thị trường đầu mối của khu vực trong tương lai.
Theo EuroCham, những nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, Phó chủ tịch EuroCham nhận định, kết quả khảo sát của PCI 2016 về môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện trong mắt nhà đầu tư nước ngoài cũng khá tương đồng với các chỉ số đánh giá của doanh nghiệp trong EuroCham, cho thấy tín hiệu tích cực hơn từ môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt, hiện EVFTA đang trong quá trình phê chuẩn tại Việt Nam và EU và khi có hiệu lực từ năm 2018 sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong việc thu hút thêm vốn FDI từ EU vào Việt Nam. Có điều, để tận dụng cơ hội này, môi trường đầu tư tại Việt Nam cần tiếp tục được cải cách hơn nữa theo tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.
“Hiện có nhiều nhà đầu tư EU đang nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bài toán trong việc kết nối doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI đến từ EU lúc này là bản thân doanh nghiệp trong nước cũng cần phải tăng cường đầu tư đổi mới để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, xuất khẩu nhiều hơn vào EU”, ông Võ Quang Huệ chia sẻ.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút vốn FDI trong 2 tháng đầu năm 2017 cũng phản ánh thực tế này. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016, vốn FDI cam kết đổ vào Việt Nam ở mức 24,4 tỷ USD và các dự án giải ngân đạt 15,8 tỷ USD là mức giải ngân vốn ngoại cao nhất từ trước tới nay.
Những cải cách của Việt Nam thời gian qua đã giúp gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài
Ông Don Lam, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho biết, việc Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ giúp thu hút thêm nhiều dòng vốn FDI. Ngay cả một số nhà đầu tư ngoại ban đầu tìm hiểu Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng khi TPP bị gác lại họ vẫn tiếp tục đầu tư vì thấy rằng, sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực là khá tốt. So với các nước lân cận, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ kinh tế vĩ mô ổn định. Một số nước như Myanmar, Campuchia… đang nổi lên cạnh tranh thu hút vốn FDI, nhưng cơ sở hạ tầng lại không bằng Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, một chính sách thu hút FDI thành công không chỉ dừng lại ở việc thu hút nguồn vốn, mà còn là việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, cho phép nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Do đó, nhà nước cần sớm có giải pháp gắn kết, lan tỏa khu vực doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp nội địa tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Ứng xử với vốn FDI Trung Quốc
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD vào Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã “soán ngôi” Hàn Quốc, Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore với 721,7 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã dùng từ “bất ngờ” khi nói về xu hướng này, bởi trước đây, trong nhóm 5 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam hầu như ít có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc. Hàn Quốc thường đứng số 1 về vốn đầu tư. Việt Nam thường nhập siêu thương mại nhiều từ Trung Quốc và thường nhà đầu tư nước này chỉ làm các dự án EPC (chìa khóa trao tay), nhưng nay họ có thể chiếm ngôi vị cao trong dòng vốn FDI. Tuy mới chỉ qua hai tháng đầu năm, nhưng động thái này cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc đang rót vốn rất mạnh vào Việt Nam. Hiện các nhà đầu tư nước này đang rót vốn thực hiện dự án, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam qua các dự án trong lĩnh vực sản xuất xơ sợi, nhựa…
Sự gia tăng mạnh của vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 khiến các chuyên gia đã đặt vấn đề chuẩn bị cho những tác động của động thái này đến nền kinh tế. Bởi biến động của nền kinh tế Trung Quốc năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, khi nước này đang thay đổi cơ cấu phát triển, khiến họ dư thừa hàng hóa nhiều, dư thừa công suất; thậm chí máy móc thiết bị phải chuyển sang nước khác…
Nhìn ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Trung Quốc là một nền kinh tế có vị trí toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới nên “không thể không chơi”, quan trọng là “chơi” như thế nào? Dù là thương mại hay vốn đầu tư, du lịch… đều phải được điều chỉnh bởi cơ chế thị trường và thị trường này đang được điều chỉnh bởi các quy định trong WTO, ASEAN+, các hiệp định thương mại khác. Việc thị trường vận động gắn với Trung Quốc là điều dễ hiểu, hàng ngàn doanh nghiệp Việt đang làm ăn với nước này nên không thể nói “ghét là không chơi”.
Yếu tố vốn FDI Trung Quốc tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm cần phải theo dõi và nền kinh tế có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa các ngành hàng. Quan trọng hơn, theo TS Võ Trí Thành, cần cách ứng xử thông minh với vốn đầu tư Trung Quốc, làm sao trong dài hạn để Việt Nam thu hút được công nghệ, nhân lực giỏi nhất… để không chỉ giúp tăng trưởng ngắn hạn mà còn hỗ trợ chất lượng tăng trưởng của Việt Nam.
Những con số biết nói của PCI 2016
– 1.600 doanh nghiệp FDI được khảo sát
– 11% doanh nghiệp đã tăng vốn đầu tư
– 63% tuyển dụng thêm lao động mới
– Hơn 50% có ý định tăng qui mô hoạt động
Thái An