The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tỉnh Ninh Bình xây dựng và triển khai đánh giá bộ chỉ số DDCI

Việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực canh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình xác định là giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Ninh Bình.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều giải pháp đã được chính quyền tỉnh ban hành, triển khai một cách đồng bộ. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra, PCI của tỉnh biến động qua các năm theo xu hướng giảm bậc; đặc biệt năm 2020 giảm mạnh về điểm số, tụt sâu về thứ bậc xếp hạng (giảm 2,6 điểm, xếp hạng giảm từ 39 xuống thứ 58/63 tỉnh, thành phố của các nước và đứng thứ 11/11 các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng). Do đó, việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực canh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được coi là giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Ninh Bình.
Được biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98-NQ/BCSĐ ngày 24/5/2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình về giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và các năm tiếp theo. UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ chỉ số DDCI để nhanh chóng triển khai đánh giá ngay trong năm 2021. Do đó sau gần 02 tháng từ khi Nghị quyết 98-NQ/BCSĐ được ban hành, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 9/7/2021, phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình.
Các chỉ số thành phần của bộ chỉ số DDCI được xây dựng tương thích các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình nhằm đánh giá mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh đối với 22 sở, ban, ngành và 08 huyện, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành; từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.
Các phương pháp được sử dụng để khảo sát DDCI gồm: Khảo sát qua phỏng vấn trực tiếp; Khảo sát qua thư tín; Khảo sát qua điện thoại; Khảo sát trực tuyến.
Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến đã được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch, báo cáo lãnh đạo Tỉnh; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trên địa bàn Tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình trong những năm tiếp theo.
Ngay sau khi có Quyết định phê duyệt, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 28/7/2021, trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định hiện hành để thực hiện công tác khảo sát, đánh giá DDCI trong năm 2021; đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiến độ. Từ đó nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của Tỉnh.
Năm 2021, đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố trong khoảng thời gian 2 năm gần nhất đến thời điểm khảo sát. Trong đó tiến hành khảo sát qua thư tín 2.000 doanh nghiệp và khảo sát trực tiếp 1.000 doanh nghiệp tại trụ sở làm việc, Trung tâm phục vụ hành chính công Tỉnh, Bộ phận Một cửa của UBND các huyện/thành phố.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình ban hành quyết định số 691/QĐ-UBND ngày 25/08/2021, về việc thành lập tổ công tác DDCI bao gồm các sở, ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ, Văn phòng UBND Tỉnh, Cục Thống kê, Hiệp hội doanh nghiệp, trong đó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là tổ trưởng, với nhiệm vụ giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định; đồng thời kịp thời nắm bắt, tổng hợp tình hình, thực hiện tổ chức triển khai thực hiện DDCI.
Được biết, dự kiến đến cuối tháng 12/2021 tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành khảo sát, đánh giá, quý I/2022 công bố xếp hạng đánh giá DDCI năm 2021./.