The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Trong những năm gần đây, chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hoá luôn đứng ở nửa trên của Bảng xếp hạng, trong đó riêng 2 năm 2013 và 2015 nằm trong TOP 10 tỉnh, thành phố. Có được kết quả trên trước hết do tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC). Do vậy, từ năm 2012, Bộ Nội vụ công bố chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Thanh Hóa cũng luôn nằm trong nhóm 25 tỉnh, TP dẫn đầu. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được Thanh Hoá xác định là một trong 4 khâu đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh. Hiện UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo để sớm ban hành, triển khai Kế hoạch hành động đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Thanh Hoá với mục tiêu xây dựng nền hành chính minh bạch và phục vụ.

CCHC đồng bộ và hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo đẩy mạnh công tác CCHC, đồng thời triển khai một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, ngày 23/5/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1525/QĐ-UBND về Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành và đơn vị.

Triển khai Quyết định 1525/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các Sở ngành, UBND các cấp đã cụ thể hóa các nội dung CCHC phù hợp và hiệu quả. Điển hình như: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hoá đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát đơn giản hoá theo thẩm quyền thủ tục, điều kiện vay vốn. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền về các quy định về TTHC, cải cách TTHC liên quan đến các lĩnh vực tiếp cận đất đai, quản lý về môi trường. Cục Thuế Thanh Hoá tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng; công bố, triển khai các TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Tổng cục Hải quan bãi bỏ nhiều thủ tục hết hiệu lực, không cần thiết;… Nhiều đơn vị như: Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông - Vận tải, Giáo dục và Đào tạo,... đã áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” vào công tác hành chính, góp phần gia tăng số lượng hồ sơ TTHC giải quyết đúng hẹn. Nhiều đơn vị cấp huyện như: TP Thanh Hóa, TX Bỉm Sơn, Yên Định, Nga Sơn cũng đã triển khai thực hiện giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo mô hình “một cửa liên thông” hiện đại… Nhằm đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp, tỉnh còn tổ chức các cuộc tiếp xúc để doanh nghiệp có ý kiến phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính đến phản ánh trực tiếp.

Một trong những điểm nhấn trong giai đoạn vừa qua, Thanh Hoá đã đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện chỉ đao của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, Đại biểu HĐND cấp xã, quản lý nhà nước cho cán bộ chính quyền cơ sở, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, phố các huyện miền núi. Cụ thể: Ngành Xây dựng chú trọng xây dựng và hoàn thiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với các công chức lãnh đạo, chuyên môn quản lý đô thị các cấp của tỉnh, giai đoạn 2010-2015”; Ngành Thông tin và Truyền thông tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; Ngành Ngoại vụ triển khai thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ và biên phiên dịch cho công chức làm công tác ngoại vụ giai đoạn 2011-2015…

Bên cạnh đó, công tác hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước cũng được triển khai đồng bộ và trong quá trình thực hiện các đơn vị có nhiều sáng tạo. Văn phòng UBND tỉnh triển khai nâng cấp trang thông tin điện tử; tổ chức kiểm soát, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện công việc do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị sở ngành, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện “Đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020”; triển khai hoàn thiện phần mềm thư điện tử và quản lý văn bản hồ sơ công việc cho 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 UBND cấp huyện; triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ hành chính công… Cho đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 19/20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 27/27 UBND cấp huyện và 635/635 UBND cấp xã thực hiện việc kiện toàn Tổ đầu mối kiểm soát TTHC theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện tốt quy chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; triển khai thí điểm hệ thống một cửa điện tử tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Toàn tỉnh cũng đã có 71 cơ quan hành chính nhà nước xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001: 2008.

Tăng cường giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 4 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ gồm: (1) Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; (2)Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; (3) Đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và (4) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đang tích cực xây dựng và sẽ sớm ban hành Kế hoạch hành động về đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2016-2020. Yêu cầu đặt ra: Cần đẩy mạnh thực hiện CCHC trên tất cả lĩnh vực; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thanh Hoá cũng xác định các mục tiêu đến năm 2020: Thu hút đầu tư trên 600 nghìn tỷ đồng; các chỉ số PAPI, PCI, PAR INDEX nằm trong Top 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước,…

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó trọng tâm hiện 5 nhiệm vụ. Trước hết, trong nhóm nhiệm vụ đẩy mạnh CCHC, tỉnh sẽ tăng cường hoàn thiện thể chế liên quan đến doanh nghiệp như: cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẩm định các hồ sơ đất đai, cấp phép xây dựng...; đồng thời nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp. Song hành với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tinh giản biên chế, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả liên quan đến công tác phục vụ doanh nghiệp… Bên cạnh đó là các nhóm nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng; tiếp nhận và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp; tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách của tỉnh, Trung ương nhằm kích cầu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống bãi công, đình công nhằm tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất,…

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với việc đẩy mạnh Chương trình tổng thể Quốc gia CCHC giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cũng ban hành, triển khai 03 Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mới đây là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, khích lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng là động lực thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngày 01/6/0216, UBND tỉnh Thanh Hóa và VCCI đã ký kết Cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nội dung chính của cam kết là tỉnh Thanh Hoá sẽ phối hợp với VCCI triển khai các biện pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 vào năm 2016, ASEAN 3 vào năm 2020 trên một số chỉ tiêu chủ yếu. Chính quyền tỉnh và VCCI cũng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững. Hai bên cũng thống nhất định kỳ thường niên, VCCI và tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp gỡ, trao đổi đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Với tinh thần vào cuộc tích cực, chủ động, trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hoá sẽ yêu cầu các Sở ngành, địa phược tập trung thực hiện tốt 7 cam kết với các doanh nghiệp gồm:

- Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

- Phối hợp với VCCI định kỳ hàng năm tổ chức các Hội nghị đối thoại; đồng thời thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Định kỳ hàng quý cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, thông qua VCCI về nỗ lực cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, đảm bảo công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, TTHC, các cơ chế, chính sách, quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

- Tích cực xây dựng chính quyền điện tử, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện TTHC qua mạng, cải cách mạnh mẽ TTHC những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, hải quan, điện, tín dụng,… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các dịch vụ công trực tuyến (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được cung cấp ở mức độ 3, trong đó có 30% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4.

- Giảm thời gian giải quyết các TTHC so với quy định của Trung ương, trong đó tập trung giảm từ 30% trở lên đối với các TTHC về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,.... Riêng thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan (gồm: cấp phép quy hoạch/chứng chỉ quy hoạch, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế BVTC - DT, thỏa thuận về cấp thoát nước, cấp điện, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, đăng ký tài sản sau hoàn công) tối đa không quá 77 ngày theo mục tiêu tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ. Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư: rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đăng ký đầu tư giảm đến 30% so với quy định của Luật Đầu tư; thực hiện kết hợp giải quyết 03 thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp (gồm: thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng) giảm 50% thời gian so với quy định. Phấn đấu giải quyết đúng thời hạn 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng.

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với cam kết quốc tế, trong đó tập trung vào: tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ,…

- Nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngô Khuyến

VCCI News