The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tỉnh Tuyên Quang thực hiện 3 đột phá

Tỉnh Tuyên Quang nỗ lực thực hiện 3 đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Mặc dù là tỉnh vùng cao, khó khăn, với nhiều dân tộc thiểu số, điểm xuất phát thấp nhưng tỉnh Tuyên Quang vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt trên 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng khá...

Tuy nhiên, Tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế, quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Ngành nông, lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân của cả nước (9,31%)...

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát huy hết tiềm năng lợi thế của tỉnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; tập trung hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp; cổ phần hóa các doanh nghiệp theo phương án đề ra; củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đồng thời, tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên khoáng sản; phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, dịch vụ thương mại nhanh và bền vững, gắn với cơ sở công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào Tỉnh để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện Chương trình nông thôn mới theo hướng kiên trì, lâu dài với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, có lộ trình, bước đi phù hợp, thực chất không vì thành tích; lồng ghép, thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo; có các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân giảm nghèo bền vững; ổn định dân cư.

Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn...

Phương Nhi

Báo Chính phủ