The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP Đà Nẵng công bố nội dung và lộ trình Đề án “Hỗ trợ DN Nhỏ và Vừa tiếp cận thông tin”: Tiến tới nói không với “chi phí không chính thức”

Đề án này là 1 trong 19 Đề án xuất sắc nhất, đạt giải Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2014 với chủ đề "Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình" do Ngân hàng thế giới và Thanh tra Chính phủ đồng tổ chức – ông Lê Đức Viên – Phó Giám đốc CPHUD cho biết.
Các kết quả mong đợi của Đề án: - Hỗ trợ DN N&V tiếp cận thông tin. Mong muốn có khoảng 70% DN sau khi tham gia lớp tập huấn nắm rõ cách thức khai thác thông tin, các nguồn thông tin, các kênh thông tin, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của TP... - Nâng cao năng lực của DN trong việc chủ động đưa ra yêu cầu được thông tin và "Nói không với chi phí không chính thức", các tác giả Đề án mong rằng: + Có 70% DN N&V sau khi tham gia các hội thảo nắm rõ thông tin về quy trình, thủ tục... trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho DN. + 10-20% DN sau khi tham gia lớp bồi dưỡng về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử sẽ tiến hành xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc cho DN mình. - Xây dựng mối quan hệ gắn kết với cơ quan Nhà nước. Sau khi tham gia tất cả các hoạt động của Đề án, sẽ hình thành mạng lưới gồm các cán bộ phụ trách chính trên các lĩnh vực của các ngành trong khuôn khổ Đề án nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho DN. Mạng lưới góp phần tạo các điểm liên hệ, đồng thời nên mối quan hệ vô hình hữu ích, khăng khít giữa DN và cơ quan công quyền, tạo thuận lợi cho DN khi làm việc trong các lĩnh vực này.
Từ trăn trở khi chỉ số thành phần về tính Minh bạch trong tiếp cận thông tin của Đà Nẵng vẫn chưa cao Chia sẻ với các đại biểu tham dự Lễ Công bố Đề án, ông Lê Đức Viên nói thêm về xuất xứ của Đề án: CPHUD tham gia chương trình (Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2014), xuất phát từ câu chuyện "hậu PCI 2013". Vào ngày 20/3/2014, TP Đà Nẵng vui mừng đón nhận tin "Đà Nẵng đã quay trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 trong 63 tỉnh, thành cả nước". Trước đó, Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về PCI trong giai đoạn 2008-2010. Tuy nhiên, PCI của Đà Nẵng đã liên tiếp giảm điểm và tụt hạng trong giai đoạn 2011-2012, năm sau giảm hơn năm trước và năm 2012 chỉ còn đứng vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành.
Việc "lội ngược dòng" trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI năm 2013 là kết quả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền TP Đà Nẵng trong việc cải thiện các chỉ số thành phần, trong đó có chỉ số về Tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Đó là kết quả việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin và tuyên truyền nâng cao đạo đức công vụ, thực hiện việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân và đặc biệt là DN thông qua việc đánh giá trực tuyến. Tuy nhiên, ông Lê Đức Viên phân tích, chỉ số thành phần về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của Đà Nẵng vẫn chưa cao: xếp thứ 7/63 tỉnh thành năm 2013, tụt hạng so với năm 2012. Điều này cho thấy đây vẫn là vấn đề cần được tập trung giải quyết. Ở góc độ của cơ quan thực hiện Đề án này, CPHUD đã nhận thấy chỉ có nỗ lực từ phía chính quyền không thì vẫn chưa đủ, mà cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng DN để Đà Nẵng cải thiện được chỉ số về tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh tại TP và tiếp tục duy trì được vị trí dẫn đầu về chỉ số PCI của mình. Trong đó, bản thân DN cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực trong việc tiếp cận thông tin, DN phải dám "nói không với chi phí không chính thức", tự trang bị các kỹ năng khai thác thông tin và đối phó với các hành vi, biểu hiện "thiếu minh bạch", xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước... Và đây cũng chính là mục tiêu, lí do Trung tâm xây dựng Đề án này, hướng đến mục tiêu Vì DN – Cho DN.
Lãnh đạo TP: Quyết tâm đến cùng ! Phát biểu tại Lễ Công bố, Phó CT.UBNDTP Nguyễn Ngọc Tuấn nhìn nhận: Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ XIV (tháng 12/2013), lãnh đạo TP đã thống nhất chọn Năm 2014 là Năm DN của TP Đà Nẵng. Điều này thể hiện quyết tâm của tập thể Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBNDTP trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là các DN N&V của TP, một cộng đồng DN chiếm đến 98% số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn TP.
Đây cũng là lực lượng DN đã tham gia đông đảo nhất vào cuộc khảo sát độc lập của các Ngành chức năng TƯ, và quốc tế, làm cơ sở cho việc chấm điểm các tiêu chí thành phần, công nhận Năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh/TP (PCI) của địa phương. Đến nay, Lãnh đạo TP đã tập trung chỉ đạo và cùng các Sở, Ngành triển khai nhiều hoạt động thiết thực; trong đó tập trung vẫn là rà soát thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho DN. Đặc biệt, công tác thanh –kiểm tra tình hình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy nhằm cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm ; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ-công chức-viên chức trên địa bàn TP được triển khai thường xuyên, đồng bộ, để chấn chỉnh kịp thời. Những nội dung quan trọng trên đây đã được các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, nhằm tạo điều kiện tốt nhất do DN hoạt động. UBNDTP cũng đã dành thời gian định kỳ đối thoại với DN, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó, công tác rà soát quỹ đất trong và ngoài Khu Công nghiệp đã được các đơn vị chuyên môn tích cực triển khai, bước đầu đáp lại mong đợi của DN. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn tái khẳng định quyết tâm, quyết tâm đến cùng của Lãnh đạo TP và nhắc lại ý kiến phát biểu thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến (tại buổi Lễ Công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh/TP (PCI) 2013, diễn ra tại Hà Nội): "Đà Nẵng cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh tại thành phố, góp phần xây dựng và duy trì thương hiệu Đà Nẵng, một trong những TP hiện đại, năng động và sáng tạo ở Việt Nam". Hướng đến một năng lực cạnh tranh bền vững cho Đà Nẵng Về đề án "Nâng cao năng lực của DN N&V TP Đà Nẵng trong việc tiếp cận thông tin về đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh", Phó CT Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Các mục tiêu của Đề án hoàn toàn phù hợp với định hướng của TP trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin, góp phần nâng cao tính minh bạch của bộ máy công quyền; góp phần giữ vững vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI cả nước. Các hoạt động của đề án vừa hỗ trợ năng lực tiếp cận thông tin, tạo cơ hội để DN gắn kết với cơ quan công quyền, cùng nhau phối hợp giải quyết thỏa dáng các yêu cầu mà DN cần; từng bước xây dựng "Văn hóa nói không với chi phí không chính thức". Và để Đề án thành công, Cộng đồng DN N&V TP Đà Nẵng ; các Sở, Ngành liên quan, phải hưởng ứng, tham gia một cách tích cực. Trung tâm Phát triển Nguồn Nhân lực Chất lượng cao, Hiệp Hội DN N&V TP Đà Nẵng phải phối hợp chặt chẽ với các HHDN trên địa bàn, triển khai Đề án có lộ trình bài bản, nội dung công việc bám theo hướng chú trọng hiệu quả thực sự, phải mang lại giá trị thiết thực cụ thể cho DN. Để theo dõi tiến độ và chất lượng triển khai Đề án một cách sát sao, Phó CT.UBNDTP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu HHDN N&V TP thành lập hẳn 1 Tổ Công tác chuyên trách ; CPHUD có một Nhóm chuyên theo dõi Đề án. Có vậy mới bảo đảm rằng kết quả của Đề án là việc nâng cao tinh công khai, minh bạch, hết lòng vì sự phát triển của DN của bộ máy chính quyền TP và đó mới là năng lực cạnh tranh bền vững của TP.
3 lĩnh vực – 3 mục tiêu và nhiều chương trình Vì DN Ông Lê Đức Viên - Phó Giám đốc CPHUD cho biết, trong khuôn khổ Đề án¸ CPHUD vừa giữ vai trò là 1 trong 2 cơ quan chủ công vừa phối hợp với các Sở-Ban-Ngành tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Đất đai - Xây dựng _ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Như vậy, các hoạt động của Đề án sẽ bao gồm 3 mục tiêu: - Thứ nhất: Hỗ trợ DN N&V tiếp cận thông tin (thông tin, các thủ tục liên quan, cách thức khai thác thông tin, các nguồn thông tin...), trong đó có hai hoạt động chính: + Tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp về cách thức khai thác thông tin, các nguồn thông tin, các kênh thông tin, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố... + Tổ chức các hội thảo phổ biến thông tin về quy trình, thủ tục... trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.
thứ Hai: Nâng cao năng lực của DN N&V trong chủ động đưa ra yêu cầu được thông tin và "nói không với chi phí không chính thức", với 2 hoạt động chính : + Tổ chức lớp bồi dưỡng về việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử của DN N&V [theo ông Lê Đức Viên: Hầu hết các DN này chưa được tiếp xúc và chưa có Bộ quy tắc ứng xử của riêng mình. Đó là quy tắc về liêm chính, minh bạch trong kinh doanh, nói không với chi phí không chính thức, góp phần tạo thói quen, nếp văn hóa của DN trong việc hạn chế chi phí không chính thức, tác nhân gây ra tham nhũng và môi trường kinh doanh không lành mạnh]. + Tổ chức tập huấn về kỹ năng làm việc, giao tiếp với cơ quan công quyền nhằm nâng cao vị thế, cách thức giao tiếp của DN khi làm việc. - thứ Ba: Xây dựng mối quan hệ gắn kết, thân thiện giữa DN với cơ quan công quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan. Mục tiêu này có 3 hoạt động chính: + Một: Xây dựng mạng lưới hợp tác hỗ trợ và cung cấp thông tin với sự tham gia của các cán bộ quản lý các ngành đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tạo đầu mối để doanh nghiệp thuận tiện liên hệ khi có nhu cầu. Nhóm tác giả Đề án mong muốn hình thành mạng lưới dưới hình thức tạo thành điểm liên hệ trong từng lĩnh vực trên cơ sở các hoạt động của Đề án: tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm... để tạo sự thấu hiểu và mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Trên cơ sở kết quả của Đề án, bắt nguồn từ việc nhận thức tầm quan trọng của mạng lưới, các sở ban ngành liên quan có thể phát triển các mạng lưới thông qua các hoạt động mang tính định kỳ để duy trì và phát huy hiệu quả của Đề án. + Hai: Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa các DN N&V với đại diện các Sở,ngành trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của DN. + Ba: Tổng kết Đề án (giao lưu, kết nối, xây dựng quan hệ gắn kết, thân thiện giữa DN và các cơ quan Nhà nước).
Lộ trình đã rõ Tại Lễ Công bố sáng nay, Ban Tổ chức đã phát các Phiếu Khảo sát để DN xác định rõ nội dung mà DN mình cần tìm hiểu và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ trong 3 lĩnh vực của Đề án. Rõ ràng để Đề án thành công như mong đợi, các ý kiến từ chính nhu cầu của DN giữ vai trò quyết định. Đơn cử, các khóa bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm phải có nội dung thật sát với mong đợi của DN thì mới thiết thực, cơ quan công quyền mới biết cần phúc đáp gì , cần điều chỉnh, uốn nắn lại điều gì trong quan hệ DN-Cơ quan quản lý Nhà nước.
Về lộ trình, theo ông Lê Đức Viên, với mong muốn được hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng DN N&V trên địa bàn Đà Nẵng, tuân thủ đúng các nguyên tắc hành động vì mục tiêu Đề án đã đặt ra; các khâu công việc liên quan, thực tế đã được triển khai ngay từ đầu tháng 11/2014 (Lễ Công bố chỉ là một phần nội dung). Ngoài các phiếu khảo sát gửi đến DN, Bộ phận thường trực Đề án còn có 10 phiên phỏng vấn trực tiếp để ghi nhận những yêu cầu, khúc mắc từ DN. Phấn đấu từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015 và tháng 4/2015 hoàn tất các nội dung cơ bản đã đề cập và có bước đánh giá tác động sơ bộ, rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo. Do vậy, các DN muốn đăng ký tham gia toàn bộ các hoạt động của Đề án tích cực đăng ký trước ngày 20/11/2014. Mọi thông tin như số điện thoại và email tiếp nhận đều đã được gửi đến DN trước, trong và tiếp theo ngay sau Lễ Công bố.

T.Ngọc thực hiện

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Đà Nẵng ngày 13/11/2014