TP HCM: Cán bộ cần được đánh giá đúng
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng khẳng định: Kinh tế TP năm 2015 đạt những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2011-2015. “Đây là một “di sản” rất quý mà Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IX, các cấp ủy, chính quyền mang lại và tạo đà cho nhiệm kỳ mới. Trách nhiệm của chúng ta là phải kế thừa, phát huy những kết quả ấy lên một mức độ cao hơn cũng như khắc phục những cái chưa tốt” - ông Thưởng nhấn mạnh.
Và ông Thưởng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Lấy hiệu quả công việc làm thước đo, đánh giá cán bộ nhưng mà thước đo của các chức danh như thế nào? Tỉ lệ xuất sắc trong một tập thể cấp ủy bao nhiêu là vừa?...
Sở dĩ đặt những câu hỏi như trên, theo ông Thưởng, là do thời gian qua có những cấp ủy ai cũng hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí có tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hết. Do đó, TP phải tính toán để tiêu chí đánh giá cán bộ phù hợp với chức danh và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Cụ thể, như ở chuyện tiếp dân, báo cáo có những con số rất đẹp nhưng đó là toàn TP, chứ thực tế một số người đứng đầu sở - ngành, chủ tịch quận - huyện rất ngại tiếp dân.
Để cải thiện điều này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu ra một số tiêu chí có tính chất “điểm liệt” để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo. Chẳng hạn, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư mà để môi trường đầu tư không cải thiện, thủ tục rườm rà, doanh nghiệp còn kêu ca; giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường mà để dân phản ánh tiếp cận thông tin đất đai, thủ tục đất đai chậm; giám đốc Sở Xây dựng để xây dựng trái phép, lấn chiếm kênh rạch; giám đốc Sở Giao thông Vận tải mà để ùn tắc giao thông tăng… hay chủ tịch quận, giám đốc sở mà không tiếp dân thì sẽ bị xem xét, đánh giá lại mức độ hoàn thành công việc trong năm. “Có như vậy mới cải thiện được chức trách lãnh đạo” - ông Thưởng nhấn mạnh.
Không chỉ đổi mới công tác đánh giá cán bộ, ông Thưởng còn yêu cầu phải đổi mới cả phương thức lãnh đạo của cấp ủy và phương pháp làm việc của cán bộ. Đối với phương thức lãnh đạo, trước hết phải đổi mới từ cách ra nghị quyết, kết luận, tổ chức hội nghị… để mỗi chương trình, kế hoạch đều có người chịu trách nhiệm. Phải quy định cụ thể mới đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
“Đặt hàng”
Trong năm 2016, TP HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8%, cao hơn mức tăng 7,72% trong năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, ông Võ Văn Thưởng đề nghị phải xác định rõ giải pháp cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực chứ không thể nói suông.
Ông dẫn chứng: Nếu trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Đảng bộ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Liên hiệp HTX Thương mại TP (Co.opmart) có thể mạnh dạn công bố với người dân TP rằng thực phẩm bán trong SATRA, Co.opmart là an toàn; những thực phẩm không an toàn sẽ không bán trong SATRA, Co.opmart. Cam kết mạnh mẽ được như vậy mới có những giải pháp cụ thể, hiệu quả trong liên kết vùng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế để kiểm soát từ trại chăn nuôi đến phân phối.
Liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, ông Võ Văn Thưởng còn thẳng thắn đưa ra những số liệu làm không ít người “chạnh lòng”. Đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy trong năm 2014 lần đầu tiên TP lọt vào tốp 5 cả nước nhưng có đến 4 tiêu chí TP được xếp dưới trung bình, gồm chi phí không chính thức cao - phí “bôi trơn”, tính năng động của bộ máy chính quyền thấp, thiết chế pháp lý không minh bạch và cạnh tranh bình đẳng không cao. Ngoài ra, một số tiêu chí giảm dần trong một số năm, như: tiếp cận đất đai càng ngày càng rắc rối, tính năng động giảm dần. “Dứt khoát TP phải cải thiện bằng được những bất cập trên, phân công cụ thể trách nhiệm từng sở, ngành” - ông Thưởng quyết tâm.
Cuối cùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chia sẻ: “Người dân TP đang chờ đợi đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới làm như thế nào? Thế hệ tiền bối đợi coi tụi trẻ làm ra sao? Đây chính là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Kỳ này, việc chuyển giao cán bộ trong Đảng, trong chính quyền từ TP đến quận - huyện rất lớn. Có 15 bí thư, chủ tịch quận - huyện; 5 đồng chí trong Thường trực UBND TP, 10 giám đốc các sở - ngành đều là nhân sự mới. Chính vì vậy, Thành ủy viên, lãnh đạo sở - ngành phải nỗ lực nhiều; phải khẳng định sự lựa chọn của tập thể là đúng đắn, không sai, để họ cũng không tiếc vì đã lựa chọn chúng ta”.
“Phải để dân thấy mặt cán bộ là thương”
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP - gửi gắm: Phải chăm lo cho dân nhiều hơn nữa, đừng bằng lòng với những kết quả hiện tại.
“Chính quyền phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp từ dân. Nhưng muốn huy động được sức dân thì mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của dân, phải chăm lo cho dân, phải tính cách nào có lợi nhất cho dân thì làm. Người cán bộ phải làm sao để người dân thấy mặt là thương chứ đừng để thấy mặt là kêu ca” - ông Hải nhấn mạnh.