The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP. HCM: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 6-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa IX tiến hành ngày họp đầu tiên. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, dự phiên khai mạc. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP ngày càng cao, ngân sách trung ương điều tiết cho TP lại bị cắt giảm, cùng với nhiều khó khăn khác đang đặt ra với kinh tế - xã hội TP, đại biểu HĐND TPHCM nêu nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội TP phát triển trong thời gian tới.

Cần tập trung nuôi dưỡng những nguồn thu mạnh

Báo cáo trước kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2016 TPHCM hoàn thành đạt và vượt 9/12 chỉ tiêu kế hoạch năm; 2 chỉ tiêu là cấp nước sạch và xử lý nước thải công nghiệp chưa đạt; các chỉ tiêu về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) chưa được xếp hạng. “Kinh tế TP tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,05% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,72%) và bằng 1,28 lần tốc độ tăng GDP của cả nước”, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin.

Mặc dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP thẳng thắn nhìn nhận kinh tế TP còn khó khăn, thách thức. Đó là môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của kinh tế TP chưa đạt yêu cầu. “Tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Ứng dụng khoa học - công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều nguồn lực xã hội trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận và cho biết thêm, một số chỉ tiêu kinh tế mức tăng thấp hơn so cùng kỳ, như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm; ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình hình phạm pháp hình sự, trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp hơn, có mặt gia tăng. Lãnh đạo TP cũng nhìn nhận nguồn lực trong nhân dân (trí lực, tài lực, vật lực), của khu vực kinh tế tư nhân (trong và ngoài nước) rất lớn nhưng chưa phát huy hết. Chính quyền các cấp chưa thực sự đóng vai trò kiến tạo.

Trong khi đó, thảo luận tổ chiều cùng ngày, nhiều ý kiến góp ý giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới TP nêu ra còn quá chung chung. “Năm 2017 TP đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8,4% đến 8,7%, điều này thể hiện quyết tâm lớn của TP. Tuy nhiên, nếu mục tiêu vạch ra mà giải pháp không cụ thể, không đánh giá, định lượng được kết quả thì tính khả thi sẽ không cao”, ĐB Lê Nguyễn Minh Quang lo lắng. Đi vào cụ thể, ĐB Lê Trương Hải Hiếu đề xuất giải pháp lớn là TP cần tập trung nuôi dưỡng những nguồn thu mạnh. Ngoài ra, với thế mạnh của mình, TPHCM đang hướng đến mục tiêu 80% nguồn thu của TP từ lĩnh vực dịch vụ, theo ông Hiếu, TP phải đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này với cách làm đột phá. Trong lĩnh vực dịch vụ có dịch vụ thương mại và dịch vụ du lịch mang tính trọng tâm của TP, ông Hiếu đề nghị TP nên xã hội hóa tối đa dịch vụ văn hóa và du lịch với phương thức công khai, minh bạch, rộng rãi.

Xem lại việc trợ giá xe buýt

Mở đầu buổi thảo luận tổ vào chiều cùng ngày, ĐB Trần Quang Thắng đặt vấn đề, TPHCM đang hướng tới TP thông minh, có chất lượng sống tốt nhưng ách tắc giao thông rất nặng nề. Lo ngại “cứ kẹt xe như thế này thì 1 năm, 3 năm nữa TP sẽ ra sao?”, ông Thắng đề nghị TP quan tâm phát triển giao thông công cộng cho hiệu quả, trong đó có xe buýt. Một trong những đối tượng khách hàng đi xe buýt nhiều nhất là học sinh, sinh viên. Một số đại biểu phản ánh, còn tình trạng tài xế “phân biệt” học sinh, sinh viên (chủ yếu đi vé tập) với khách mua vé lẻ nên bỏ trạm, quát nạt học sinh. ĐB Võ Thị Ngọc Thúy nhận xét, hiện nay chỉ có người nào không thể tự di chuyển được (như người già, sinh viên…), mới sử dụng xe buýt, bởi không còn lựa chọn khác. Còn người có khả năng đi xe máy lại không có ý định đi xe buýt. Bà Thúy hỏi: “Người đi xe buýt giảm, Sở Giao thông - Vận tải TPHCM đã tìm hiểu nguyên nhân chưa? Giải pháp ra sao?”. Một trong các giải pháp, theo ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, TP cần tính lại phương pháp trợ giá cho phù hợp, không nên trợ giá xe buýt cho nhà xe, mà cần trợ giá cho chính người đi xe buýt.

Dự thảo luận cùng tổ đại biểu, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM giải thích, từ đầu năm đến nay, TPHCM tăng thêm 60.000 ô tô và 272.000 mô tô. Toàn TP có 600.000 ô tô thì riêng 2016 đã tăng 10% tổng số xe, trong khi diện tích đường chỉ tăng thêm chưa đầy 2%. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, sở đang thực hiện 7 nhóm giải pháp, chẻ ra thành 160 đầu việc cụ thể, trong đó có việc xây dựng thêm cầu, khởi công nút giao, phân luồng… Nhằm tăng cường giám sát chất lượng phục vụ xe buýt, 1.200 xe buýt đã được lắp camera; 6.000 lượt cán bộ nhân viên xe buýt đi học kỹ năng phục vụ và năm 2017 sẽ đổi mới, có thêm 1.000 xe buýt thân thiện… Một loạt giải pháp, song ông Cường thừa nhận “đi lại vẫn khó khăn” và “còn một số trường hợp phân biệt, đối xử với học sinh, sinh viên”. Về việc trợ giá xe buýt, ông Cường cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và mấu chốt trong việc trợ giá cho hành khách là phải đưa hệ thống vé điện tử, dự kiến thực hiện từ tháng 5-2017.

Chưa hài lòng với phần giải đáp của Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm “đặt hàng” ông Bùi Xuân Cường phải có một thống kê cụ thể: bao nhiêu xe buýt được trợ giá, chạy bao nhiêu chuyến, chở bao nhiêu khách mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm? Tính kỹ như vậy để thấy hiệu quả như thế nào trong việc trợ giá xe buýt. Chủ tịch HĐND TPHCM nhắc nhở: “Sở hứa hoài, nhưng bao nhiêu năm vẫn chưa đổi mới phương thức trợ giá, vẫn là trợ giá đầu vào. Rồi cứ mỗi năm người đi xe buýt lại ít hơn”. Theo đồng chí Nguyễn Thị Quyêt Tâm, đến một mức nào đó, HĐND phải tính lại xem có đầu tư trợ giá cho xe buýt hay không? Ngân sách đang eo hẹp, không thể cứ thông qua mỗi năm cả ngàn tỷ đồng trợ giá xe buýt. Đầu tư như vậy là thiếu trách nhiệm với dân.

Chủ tịch HĐND TPHCM xác định ùn tắc giao thông là “điểm nghẽn” số 1 của TP, nếu giải quyết được điểm nghẽn này thì sẽ tác động, sẽ thông nhiều vấn đề khác. Chủ tịch HĐND TPHCM chỉ rõ, ùn ứ giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn, dù TP đầu tư lớn; làm thêm đường, bắc thêm cầu thì giảm ùn tắc song chỉ giảm cục bộ về khu vực, về thời gian chứ về lâu dài, sau 1 năm, lại đâu vào đó, không bền vững. Vấn đề ở đây không hẳn do đầu tư, mà do phương pháp quản lý nhà nước về điều tiết giao thông, quản lý giao thông chưa tốt.

ĐB TRƯƠNG LÂM DANH: Cháy nổ, kẹt xe, rác thải, ùn tắc giao thông… đã nói quá nhiều rồi

Cháy nổ, kẹt xe, rác thải, ùn tắc giao thông, sự phục vụ của xe buýt… là các vấn đề cử tri và đại biểu nói hoài. Và hậu quả thì rất lớn. Điểm chung của các vấn đề trên là việc thực hiện công tác quản lý của chúng ta chưa nghiêm, xử lý chưa đến nơi đến chốn. Nói đến ô nhiễm, ngập nước, ai cũng kêu hết. Song 10 tháng qua, cả TP chỉ mới xử phạt được vài chục trường hợp trong hàng trăm trường hợp bị phát hiện gây ô nhiễm hay chiếm vị trí kênh rạch, tuyến ống, hầm ga, cửa xả khiến ngập nước. Ở các nước, quăng một điếu thuốc xuống đường đã bị phạt rồi. Còn chúng ta, để xảy ra, phát hiện nhiều quá mà cách xử lý không nghiêm, không đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng cần phải có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh thế nào mới được. Có biện pháp xử lý tương xứng với hành vi.

Đại tá LÊ TẤN BỬU, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM: Sẽ làm mạnh để thành phố an bình Chủ tịch HĐND TPHCM nhắc nhở không chỉ quán karaoke mà còn vũ trường, nhà hàng tiệc cưới, quán bar, nhiều nơi tập trung 700-800 người song kín mít, khi hỏa hoạn xảy ra không hiểu ra sao mà thoát kịp và yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Chúng tôi xin tiếp thu chỉ đạo này. Hà Nội vừa xảy ra vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết. Ở TPHCM, tính chất cũng tương đồng với Hà Nội, thậm chí, nguy cơ cháy nổ ở TP còn cao hơn. Năm qua, TP xảy ra hơn 2.200 tai nạn sự cố liên quan đến cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó có 361 vụ cháy. Lo lắng hiện nay là tình trạng cháy có chết người trong nhà dân vừa ở, vừa kinh doanh buôn bán. Quận Tân Phú, quận 2 và mới đây là quận 9, đều chết mấy người. Về trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn để TP an bình.

ĐB LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU: Quy hoạch đang theo kiểu đụng đâu làm đó Trong tổ chức thực hiện quy hoạch, đáng lý ra Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc… phải trình bày trước HĐND TP phương án tổ chức thực hiện quy hoạch hàng năm. Như tại kỳ họp cuối năm 2016 này, phải trình bày phương án tổ chức quy hoạch năm 2017 để HĐND TP hình dung được đường đi nước bước của TP trong các năm sẽ như thế nào, đường nào mở thêm, thêm khu nào giải tỏa, phát triển khu nào… giúp đại biểu có thông tin và góp ý kiến. Thực tế công tác này hiện nay chúng ta đang thực hiện theo kiểu đụng đâu làm đó.

Chủ tịch HĐND TPHCM NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Không bắt đầu, không thể có kết thúc TPHCM làm ra của cải vật chất rất nhiều, thu ngân sách năm nào cũng đạt và vượt, nhưng có điều đời sống của người dân TP có chất lượng rất thấp ở một số lĩnh vực. Trong đó, rác là một điểm nghẽn. Đại biểu lo ngại TP văn minh nhưng vứt rác tràn lan, làm sao mà thu hút du lịch cho được. Chuyện vứt rác bàn nhiều năm nay lắm rồi, giờ vẫn thế, chưa có chuyển biến. Phân rác tại nguồn cũng bàn rồi. Ở nhiều nước, từ một học sinh cũng biết và mọi người ra đường hay trong nhà, nhìn vào một dải thùng rác là biết thùng nào cho loại rác nào. Để làm được, các nước cũng mất 15-20 năm, không phải 1 năm. TP cũng có dự án thí điểm phân rác tại nguồn song chưa hiệu quả vì chỉ có người dân phân rác tại nguồn, chứ đường dây lấy rác không phân, vẫn đổ chung một xe. Vận động nhân dân là đúng nhưng quan trọng là cách tổ chức, quản lý của mình sao cho đồng bộ. Việc quản lý còn nhiều điều phải nói lắm. HĐND TPHCM sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề, bàn vấn đề này vì nếu chúng ta không bắt đầu thì không thể có kết thúc.

VÂN ANH - ĐƯỜNG LOAN

SGGP