TP HCM - Hội thảo phân tích chỉ số PCI 2014 về quan hệ lao động tiền lương
Chương trình đo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (Provincial Competitiveness Index) phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đánh giá hoạt động của chính quyền. Mấy 10 năm qua, khi công bố kết quả đánh giá và xếp hạng các tỉnh đã thực sự thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy phát triển và tạo ra cuộc đua tranh lành mạnh giữa các tỉnh, thành phố, giúp cho việc phục vụ doanh nghiệp, phục vụ thị trường tốt hơn...
Năm 2014 báo cáo còn thông tin về thực trạng quan hệ lao động trong doanh nghiệp và đánh giá của doanh nghiệp đối với TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang rất được DN quan tâm). Diễn giả chương trình là TS. Edmund Malesky – ĐH Duke Hoa Kỳ - tác giả chính, trưởng nhóm nghiên cứu PCI VN và Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI.
Báo cáo PCI 2014 công bố kết quả điều tra cảm nhận của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. TP Đà Nẵng được xếp vi trí đứng đầu, hai vị trí tiếp theo là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), vốn là những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng PCI hàng năm.
Đồng Tháp được đánh giá đã chú trọng giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cải cách hành chính thực hiện tốt theo cơ chế một cửa... Còn Lào Cai đã trở lại ấn tượng, cải thiện thêm 14 bậc, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng khi đã rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp...
Thành phố Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ 4, đây là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phốcó chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thời gian gần đây, thành phố đã liên tục có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng...
Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "khi nhận được thông tin Đồng Tháp đứng trong nhóm đầu về PCI, ông đã viết thư cho hệ thống các cơ quan trong tỉnh và nói rằng "đừng bao giờ giăng bẫy ra và mình tự sụp vào bẫy đó". Bởi theo ông, chỉ số có hai mặt, nếu thấy tự bằng lòng, đã hoàn hảo thì nguy hiểm, nó sẽ là cái bẫy với mình".
Theo ông quan niệm đây là chỉ số trung gian, còn hiệu quả cuối cùng là hiệu quả kinh doanh của DN và những nhà đầu tư. Đồng Tháp không chỉ xem DN đến đầu tư, sản xuất mang lại tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội mà xem DN như một người tư vấn, cố vấn cho sự hoạch định chính sách, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ông cho rằng, DN như cá, nước mặn hay nước ngọt cá đều nhạy bén và biết được. Với những thay đổi của thị trường thì DN là người hiểu rõ nhất. Do đó, ông nhận định, lãnh đạo khi hoạch định chính sách mà thiếu nhà tư vấn thực tiễn thông qua DN thì đó là một thiếu sót lớn.
Cộng đồng DN Việt Nam đang đứng trước thử thách rất lớn, với năng lực của DN trong tỉnh còn yếu kém thì một là "bị" người ta nuốt hai là "sợ" người ta nuốt mà không dám hợp tác". Nên trước hết các DN Việt Nam, phải trang bị nội lực cho chính mình đủ mạnh khi các hiệp định như TPP hay cộng đồng kinh tế chung Asean... có hiệu lực.
Theo Tạp chí tài chính ngày 21/04/2015