TP HCM: Kỳ vọng đô thị thông minh
28 Tháng 8, 2017
TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, đến nay TPHCM vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, thành phố “đầu tàu” của cả nước đang gặp phải 4 thách thức khiến “Hòn ngọc Viễn Đông” chưa phát triển xứng tầm; thậm chí có sự trì trệ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một thành phố được cho là năng động nhất thế giới (nhận định được công bố tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 1-2017).
Nhà trồng dưa lưới thông minh theo công nghệ hiện đại tại xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TPHCM
Định hướng phát triển khoa học và chính xác
4 thách thức được chính quyền TPHCM nêu ra cho thấy, sự cần thiết đầu tiên để xây dựng đề án TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025 là một số dịch vụ không theo kịp nhu cầu của người dân; kinh tế phát triển nhanh nhưng không bền vững; công tác dự báo, xây dựng chiến lược chưa khoa học; chưa đóng góp yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
Đi sâu vào những thách thức và tồn tại, UBND TP đưa ra 4 nguyên nhân cho thấy TPHCM đang mặc “chiếc áo” quá chật, kìm hãm sự phát triển của TP.
Một là, dân số tăng. TP chưa nâng cao được vị trí xếp hạng so với các thành phố khác là việc gia tăng dân số nhanh (chủ yếu từ người dân nhập cư).
Cụ thể từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng dân số của TP ở mức trung bình 2,26%/năm; trong đó, tốc độ tăng dân số cơ học cao hơn tốc độ tăng dân số tự nhiên. Mật độ dân cư phân bổ trong khu vực nội thành trung bình cao gấp hàng chục lần mật độ khu vực ngoại thành; dẫn đến sự quá tải về cơ sở hạ tầng và kéo theo các hệ lụy như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tội phạm diễn biến phức tạp; thiếu nhà ở, dịch vụ y tế và an toàn thực phẩm suy giảm…
Thời gian qua, thu nhập bình quân đầu người của TPHCM đã tăng trưởng mạnh. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.513 USD; năm 2014 khoảng 4.800 USD/đầu người; năm 2015 đạt 5.538 USD/đầu người. Sự tăng trưởng về thu nhập cũng đồng nghĩa với nhu cầu của người dân ngày một cao đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, chính quyền…
Việc này đặt ra thách thức cho TP trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát cũng chưa hiệu quả, như người dân cần có nhu cầu tham gia tích cực vào quá trình giám sát, xây dựng và phát triển đô thị, để qua đó biến tiếng nói của họ thành các sản phẩm, giá trị cụ thể.
Mặt khác, kinh tế TP tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững. Thực tế TPHCM có nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất nước nhưng trong hơn thập kỷ qua, tỷ lệ đóng góp của TP vào GDP cả nước vẫn duy trì ở mức 18% - 21%; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách quốc gia cũng như tỷ trọng xuất khẩu có chiều hướng giảm dần (dù tốc độ xuất khẩu vẫn tăng); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của TP đang có dấu hiệu chững lại, tụt hạng dần so với các tỉnh khác. Vì vậy, TPHCM đang đối mặt với bài toán làm thế nào để tiếp tục duy trì cũng như phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian tới.
Hai là, nhu cầu nâng cao hiệu quả công tác dự báo phát triển và điều hành tổng thể của TPHCM. Nhu cầu ưu tiên hàng đầu của TP là việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả và độ chính xác của công tác dự báo, hỗ trợ đưa ra quyết định để có thể đảm bảo ban hành được các chiến lược, mục tiêu, chính sách hợp lý, nhằm giải quyết được tận gốc các vấn đề và thúc đẩy TP phát triển kinh tế bền vững. Điều này phù hợp với xu hướng quản trị đô thị chung của thế giới đang ngày càng phức tạp và đòi hỏi mức độ cao hơn.
Ba là, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và triển khai 7 chương trình đột phá của TP. Trong thời gian qua, TP đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực và gặt hái nhiều kết quả tích cực. Điển hình như ở các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT chuyên ngành trong giao thông vận tải, y tế, môi trường, giáo dục, quản lý nguồn nhân lực… Tuy nhiên, công tác ứng dụng CNTT vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong công tác điều hành của chính quyền và phục vụ người dân; đặc biệt, chưa đáp ứng nhu cầu về dự báo phát triển của TP.
Bốn là, xu hướng xây dựng đô thị thông minh của thế giới. Thời gian gần đây, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh, bởi tác nhân thúc đẩy sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các quốc gia/thành phố đang triển khai xây dựng đô thị thông minh tiêu biểu hiện nay có thể kể đến là Singapore, London, Barcelona, Chicago, New York, Los Angeles, Seoul, Hồng Kông, Paris, Tokyo…
Xây dựng đô thị thông minh là thực hiện việc ứng dụng công nghệ nhằm kết nối, thu thập và phân tích các thông tin dữ liệu từ nhiều mặt hoạt động của TP (cả người dân và doanh nghiệp), nhằm phục vụ quá trình ra quyết định của con người và đội ngũ quản lý đô thị. Chính vì vậy, cần tập trung thời cơ này để bắt đầu triển khai xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh. Việc này nhằm giúp phát huy các thế mạnh của TP, hỗ trợ tốt cho 7 chương trình đột phá để giải quyết các thách thức hiện nay và định hướng cho TP phát triển một cách khoa học, chính xác.
Người dân là trung tâm đô thị
Trước những sự cần thiết nêu trên, UBND TP đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2025 để xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh. Đó là, TPHCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực với người dân là trung tâm của đô thị. Đặt ưu tiên cao nhất là việc phát triển kinh tế của TP, phù hợp với các định hướng phát triển của TP tại Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10. Việc phát triển bền vững thỏa mãn, đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Tầm nhìn “đặt người dân là trung tâm của đô thị” hướng đến người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP.
Với những tầm nhìn chiến lược này, TP cũng đưa ra 4 mục tiêu đi kèm để xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh. Đó là đảm bảo tăng trưởng tốc độ kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
Theo UBND TP, 4 mục tiêu để xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh sẽ phục vụ cho 4 chủ thể của đô thị: Đối với chính quyền TP, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP. Với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác. Thông qua đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.
Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin, giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
6 giải pháp xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh
1- Xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP: TP giao Viện Nghiên cứu phát triển phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đánh giá và đề xuất mô hình mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TP (tầm nhìn trung hạn).
2- Khung CNTT và truyền thông (ITC) cho đô thị thông minh: Khung ITC cung cấp kiến trúc tổng quan về công nghệ, bao gồm các phân lớp, thành phần với chức năng khác nhau; đảm bảo tuân thủ định hướng “mở”, cho phép liên thông, chia sẻ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, tích hợp thiết bị, vận hành các giải pháp của nhiều nhà cung cấp và sử dụng chung các công cụ phân tích dữ liệu, tương tác với người dùng.
3- Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở: Tích hợp cơ sở dữ liệu của các sở ban ngành, quận huyện; hình thành kho dữ liệu dùng chung của TP làm cơ sở phục vụ cho công tác dự báo chiến lược phát triển; xây dựng nền tảng dữ liệu mở, từ đó chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, góp phần nâng cao chất lượng sống.
4- Thành lập Trung tâm an toàn thông tin, xây dựng Trung tâm điều hành thông minh: Vận hành một đô thị lớn như TPHCM đòi hỏi phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối, xử lý ở mức vĩ mô. Trung tâm điều hành thông minh sẽ là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của TP trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.
5- Thực hiện các giải pháp hạ tầng CNTT nền tảng và chuyên ngành theo từng lĩnh vực.
6- Thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ.