The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP. HCM: TẠO BƯỚC CHUYỂN TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh tiếp tục xác định là “Năm thực hiện cải cách hành chính - nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền thành phố”. Chính vì vậy, thành phố đã và đang có những chỉ đạo và hành động cụ thể nhằm tạo bước chuyển mới trong cải cách hành chính.

Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra mới đây, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những điểm sáng của công tác cải cách hành chính của thành phố năm 2017 là tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng kỷ lục (5,4 lần), tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng cũng tăng gấp đôi so với năm 2016. Bên cạnh đó, việc liên thông văn bản điện tử và hội nghị trực tuyến cho 44 đơn vị đã tiết kiệm tới 23 tỷ đồng ngân sách thành phố. So với các đơn vị, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh có bước cải cách hành chính một cách thiết thực. Cụ thể, tính đến ngày 28-12-2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký tài khoản thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử đạt 97,13% so với số doanh nghiệp đang hoạt động...

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đưa 80% thủ tục hành chính vào cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; hoàn tất kết nối hệ thống một cửa liên thông của các sở, ngành, quận, huyện với hệ thống một cửa điện tử thành phố nhằm cung cấp tình trạng giải quyết hồ sơ… Thành phố phấn đấu năm 2018 sẽ đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính và đứng tốp 5 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để tạo động lực trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả, TP Hồ Chí Minh xác định nguồn lực con người giữ vai trò quyết định. Trong năm 2018, thành phố sẽ xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo đột phá trong cơ chế đãi ngộ và phát huy năng lực cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài. Để thực hiện chủ trương này, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương cho phép tăng chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho thành phố, giao bổ sung chỉ tiêu đào tạo cho Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh để chủ động thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là cán bộ, công chức. Ngoài ra, thành phố cũng đã đề xuất Trung ương sớm có chủ trương về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức để chủ động xây dựng và thực hiện tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Theo các chuyên gia, trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện ngay 4 nhóm giải pháp: Phân quyền mạnh mẽ để tháo gỡ những nút thắt liên quan đến các dự án có sử dụng đất, bởi đây là vấn đề dễ nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm; rút ngắn quá trình đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng tự chủ về ngân sách thông qua tăng nguồn thu ngân sách; nhanh chóng sắp xếp lại các phòng, cơ sở, các bộ phận tham mưu theo hướng tinh gọn và quyết định các tổ chức bên trong các sở, ngành chuyên môn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2018, thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư; Tổ công tác liên ngành về xây dựng và Tổ quản lý nợ công do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu. Điều này được kỳ vọng sẽ bảo đảm công tác thẩm định về đầu tư, xây dựng được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy định; quản lý thống nhất tất cả nguồn vốn ngay từ khâu tiếp nhận. Ngay trong tháng 1-2018, các sở, ngành, quận, huyện phải hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính gửi về Sở Nội vụ và Văn phòng UBND thành phố; trong quá trình thực hiện cải cách hành chính cần tăng cường công tác dân vận, trong đó đề cao việc hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện các dịch vụ trực tuyến; thực hiện tốt công tác tiếp dân theo quy định.

Nguyễn Lê