The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TP. HCM Tiếp sức cho “đầu tàu tăng trưởng”

Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị đã xác định: “TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”. Cho đến thời điểm này, tuy vẫn giữ được vị trị đàu tàu nhưng TP Hồ Chí Minh đang đối diện câu hỏi lớn – Đâu là chìa khóa để tăng trưởng bền vững?

Một trong những điểm hạn chế khả năng phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh là bởi địa phương chưa xác định rõ đâu là động lực chủ chốt trong quá trình tăng trưởng. Ảnh: TẤT CƯỜNG

Xác định lại lợi thế cạnh tranh

Trong bảng kết quả khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 mới được công bố, xếp hạng của TP Hồ Chí Minh chỉ ở vị trí thứ 8, tiếp tục sụt hai bậc so với 2015 và tụt bốn bậc so với 2014. Đáng ngại hơn, trong xu thế hội nhập với quốc tế ngày càng sâu sắc, khoảng cách phát triển của thành phố (TP) so với các đô thị khác trong khu vực như Băng-cốc, Ma-ni-la, Kua-lăm-pua… vẫn còn rất xa. “Với tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm thì cần khoảng hai thập kỷ nữa TP Hồ Chí Minh mới có thể bắt kịp Băng-Cốc hay 12 năm nữa, GDP bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh mới bằng Băng-cốc ngày nay”, nghiên cứu mới đây của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định.

Rõ ràng, dù có đạt được những thành tựu nhất định trong tăng trưởng kinh tế, nhưng nhìn toàn diện thì mức tăng trưởng ấy chưa đạt được mục tiêu bền vững khi mà còn những vấn đề diễn ra ngày một nghiêm trọng như hệ thống hạ tầng giao thông còn bất cập, ô nhiễm gia tăng, thực trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, bất bình đẳng thu nhập... Mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với cải thiện chất lượng đời sống người dân ở một thành phố mang sứ mệnh tiên phong vẫn đang gặp thách thức không nhỏ. Mô hình tăng trưởng cũ phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ và nguồn đầu tư tài chính đã không còn phù hợp. Vậy mô hình nào sẽ giúp TP duy trì lợi thế cạnh tranh đồng thời có thể đuổi kịp các đối thủ khác trong khu vực Đông - Nam Á trong 20 - 30 năm tới?

Theo đề xuất các chuyên gia của Fulbright, TP Hồ Chí Minh cần định vị lại năng lực cạnh tranh của mình trong giai đoạn mới, trong đó, có thể định hướng trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu, hướng đến các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, thương mại, vận tải, dịch vụ cảng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục - đào tạo…

Nếu như theo đuổi định hướng này, TP có thể sẽ cần hy sinh động lực tăng trưởng từ những lĩnh vực vẫn đang tạo nên nguồn thu nhưng dài hạn chỉ mang lại giá trị gia tăng thấp hơn như gia công quần áo, giày dép, hay các ngành tiêu thụ nhiều điện năng và nguồn nước như xi-măng, chăn nuôi... cho các địa phương khác. Vai trò động lực tăng trưởng phải được thể hiện thông qua việc TP là đầu mối để giúp các tỉnh, TP trong khu vực có mối liên kết chặt chẽ, san sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Hiện UBND thành phố đang nỗ lực xây dựng đề án Chính quyền đô thị - một mô hình được một số quốc gia trên thế giới vận dụng và đã thành công như đặc khu kinh tế hành chính Thượng Hải (Trung Quốc). Nếu được T.Ư đồng ý triển khai, mô hình này được cho là sẽ mang đến một xung lực mới, giúp cho thành phố chủ động hơn trong các kế hoạch phát triển của mình.

Theo TS Trần Du Lịch, ngoài các đề xuất về cơ chế ngân sách sao cho phù hợp, thành phố cần kiến nghị các chính sách mới về quản lý đô thị, phân cấp phân quyền... Tất cả sẽ giúp cởi bỏ “chiếc áo” đang quá chật để “chàng trai trẻ” có thể vươn mình đứng dậy mạnh mẽ.

Kích hoạt tính năng động

Bên cạnh các hạn chế về cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện, theo các chuyên gia Fulbright, điểm yếu hạn chế khả năng sáng tạo của TP Hồ Chí Minh còn bởi địa phương chưa xác định rõ các động cơ nào là chủ chốt để thúc đẩy sự phát triển. Theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển khác, khu vực tư nhân trong nước là nền tảng của nền kinh tế, DN Nhà nước chỉ thực hiện một số hoạt động hay trong một số lĩnh vực mà tư nhân không có động cơ làm, còn khối FDI khó lòng đóng vai trò nền tảng lâu dài cho nền kinh tế.

“Vấn đề hiện nay là Việt Nam thực hiện ưu tiên ngược. Các DN Nhà nước thường được ưu đãi nhất, kế đến là các doanh nghiệp FDI và cuối cùng mới đến khối DN tư nhân. Với tinh thần khởi nghiệp và chấp nhận rủi ro của TP rất cao, nếu cơ chế khuyến khích dựa trên giá trị được phát huy sẽ tạo được môi trường kinh doanh năng động hơn nhiều”, báo cáo của Fulbright đề xuất.

Trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã yêu cầu bộ máy chính quyền TP cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 với năm mục tiêu cụ thể; phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của TP nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu của cả nước, xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế… Đặc biệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Mặt khác TP tiếp tục phát huy kết quả triển khai Quyết định số 3907 của UBND thành phố với trọng tâm là thực hiện 37 chương trình, đề án cụ thể hỗ trợ DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... Trong đó, lãnh đạo TP xác định mục tiêu trong năm nay, sẽ có thêm 50 nghìn DN thành lập mới, đồng thời sẽ có nhiều DN đầu tàu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

2016 là năm khá thành công cho TP Hồ Chí Minh khi các chỉ tiêu KT-XH hầu hết đều đạt kế hoạch như tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, cao hơn so với con số 7,72% của năm trước đó. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm lên đến khoảng 30% tổng GDP. Trong năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế mà lãnh đạo thành phố đặt ra khá tham vọng với mục tiêu GDP tăng 8,4-8,7%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35% GDP.

Nguyễn Sơn

Báo Nhân dân